Thế giới

Nhật Bản coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại

Nhật Bản khẳng định coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội.

Nhật Bản coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc hội đàm ở Tokyo ngày 31/5. Ảnh: TTXVN.

Chiều 31/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhất trí về những phương hướng, biện pháp đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa, đồng thời coi năm 2018 là năm khởi đầu mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại của quốc gia.

Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua nguồn viện trợ phát triển cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Nhật Bản cũng cam kết cung cấp thêm khoản viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam trị giá 16 tỷ Yên (142 triệu USD) đối với dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề và khẳng định tiếp tục tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng của Việt Nam sang Nhật.

Nhật Bản coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại - 1
Phái đoàn cấp cao Việt Nam - Nhật Bản hội đàm chiều ngày 30/5 trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh quốc phòng, triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, trang thiết bị quốc phòng, quân y, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân dioxin tại Việt Nam, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách biển.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên thống nhất về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế và tránh mọi hành động làm tổn hại lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và có hiệu lực pháp lý.

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 4 văn kiện ký kết, bao gồm dự án viện trợ không hoàn lại cấp học bổng phát triển nhân lực trị giá 6,77 triệu USD và dự án viện trợ không hoàn lại cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại Thành phố Hồ Chí Minh trị giá 17,8 triệu USD.

Theo An Hồng (VnExpress.net)