Thế giới

Nữ tổng thống thêm sóng gió vì thảm họa chìm phà 2014

Vụ bê bối chính trị rúng động Hàn Quốc liên quan tới Tổng thống Park Geun-hye đang khiến dư luận đồn thổi xung quanh chuyện bà Park “vắng mặt bảy giờ” trong thảm họa chìm phà Sewol hồi 16-4-2014.

Vụ bê bối chính trị rúng động Hàn Quốc liên quan tới Tổng thống Park Geun-hye đang khiến dư luận đồn thổi xung quanh chuyện bà Park “vắng mặt bảy giờ” trong thảm họa chìm phà Sewol hồi 16-4-2014.

Tổng thống Park không rõ lý do vì sao đột nhiên vắng mặt trong suốt bảy giờ đồng hồ cấp thiết trong vụ chìm phà Sewol, cướp đi sinh mạng của hơn 300 người, hồi năm 2014 kia.

tổng thống hàn quốc
Câu hỏi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ở đâu suốt 7 giờ đồng hồ sau vụ chìm phà Sewol vẫn chưa có lời giải. Ảnh: Huffington Post

Nhà Xanh (Cheong Wa Dae – dinh Tổng thống Hàn Quốc) chưa bao giờ đưa ra một giải thích rõ ràng về chuyện bà Park đã làm gì trong khoảng thời gian đó. Nhà Xanh chỉ nói Tổng thống đang bận công việc. Điều này khiến dư luận phản ứng dữ dội và đòi tìm ra sự thật đằng sau vụ chìm phà này.

Vào thời điểm xảy ra thảm họa Sewol, có nhiều tin đồn nổi lên cho rằng Tổng thống Park lúc đó đã ở cùng với cựu trợ lý Chung Yoon-hoi. Ông này cũng là chồng cũ của bà Choi Soon-sil. Bà Choi lúc này chưa được công chúng biết đến.

Tatsuya Kato, người từng giữ chức trưởng văn phòng đại diện báo Sankei Shimbun (Nhật Bản) tại Seoul (Hàn Quốc), đã đăng một bài báo dựa theo tin đồn trên. Theo đó, ông cho rằng Tổng thống Park và ông Chung Yoon-hoi có quan hệ tình cảm với nhau. Tuy nhiên, sau bài viết này, ông Tatsuya Kato đã bị truy tố về tội phỉ báng nhưng sau đó lại được tha bổng.

Vụ việc từ đó trôi qua trong im lặng. Nhưng sau khi bê bối liên quan tới bà Choi Soon-sill bị phanh phui, những tin đồn mới xung quanh vụ chìm phà cách đây hơn hai năm lại được dịp nổi lên. Tuy nhiên, lần này lại khác, nhằm vào chao của bà Choi.

“Bà đồng” Choi Soon-sil là con gái của ông Choi Tae-min, vị cố vấn cho Tổng thống đã qua đời. Ông Choi được cho là người sáng lập một giáo phái thần bí gọi là Yongsaenggyo (nghĩa là Giáo phái cuộc sống vĩnh cửu).

Chị gái của bà Choi đã gặp Tổng thống Park Geun-hye sau khi mẹ của bà là Yuk Young-soo bị ám sát hồi năm 1974. Thời gian này, cha của bà Park là Park Chung Hee đương chức Tổng thống.

Người ta đồn rằng, vị cố Tổng thống Hàn Quốc đã kể với bà Park rằng ông đã làm theo di nguyện của mẹ bà Choi để bảo vệ và chỉ bảo bà Choi. Cũng có suy đoán rằng cố Tổng thống Park Chung Hee lúc đó là một tín đồ của giáo phái Yongsaenggyo.

chìm phà Sewol
Thân nhân nạn nhân vụ chìm phà Sewol năm 2014 yêu cầu Tổng thống Park từ chức. Ảnh: Korea Times

Vì thế, sau vụ bê bối chính trị mới đây, vụ chìm phà Sewol bị đồn thổi là một phần của một lễ hiến tế và các nạn nhân là “vật thờ cúng”. Moon Yong-sil, cựu thành viên của Đảng Dân chủ Hàn Quốc đối lập, đã đăng những tin đồn này trên mạng xã hội hồi tuần trước.

Ông viết như sau: “Choi Tae-min chết năm 1994 vào ngày thứ 21 của tháng thứ 3 âm lịch. Ngày giỗ 20 năm của ông là vào 14-4-2014, theo lịch dương. Các thành viên gia đình đã phải thực hiện một nghi lễ để tưởng nhớ 20 năm ngày mất của ông, nhưng ngày Chủ nhật lại không thích hợp, vì vậy nghi lễ hiến tế này rơi vào này 16-4. Chung Yoon-hoi vào lúc này đang gặp một pháp sư gần Cheong Wa Dae. Có khả năng là bà Park, bà Choi và ông Chung đang thực hiện nghi lễ tại cùng một địa điểm, một thời gian.”

Hôm 1-11, các thân nhân của gia đình nạn nhân vụ chìm phà Sewol và thành viên nhóm dân sự đã tổ chức họp báo, yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Họ cho rằng bà Park phải chịu trách nhiệm cho việc chính phủ phản ứng chậm trễ trong vụ chìm phà trên.

Họ cũng yêu cầu chính phủ Hàn Quốc tiết lộ sự thật về việc Tổng thống Park đã ở đâu trong suốt bảy giờ khẩn cấp của vụ tai nạn và lý do của nó. “Chính phủ phải nhanh chóng cho điều tra độc lập vào vụ chìm phà và bắt Tổng thống Park phải chịu trách nhiệm cho hậu quả thảm khốc vì sự vắng mặt của bà vào lúc đó” – một thành viên của gia đình nạn nhân nói.

Theo Ngọc Như (Pháp Luật TPHCM)