Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Thụy Điển trải qua hai ngày có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới

Hai ngày trong tuần trước, Thụy Điển là nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 bình quân đầu người cao nhất thế giới, tính theo tỷ lệ trung bình trượt bảy ngày. Tổng số ca tử vong vì căn bệnh tại nước này đã xấp xỉ 4.000.

Tỷ lệ tử vong của các nước Bắc Âu khác là Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, tất cả đều áp dụng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt hơn, thấp hơn Thụy Điển lần lượt là bốn, bảy và chín lần.

Nhà dịch tễ học Annika Linde, người từng giám sát ứng phó của Thụy Điển trong đại dịch cúp và SARS cho rằng giới chức nước này lẽ ra nên áp đặt các biện phát kiểm soát nghiêm ngặt hơn trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.

Linde trước đó tỏ ra ủng hộ các biện pháp đối phó mà người kế nhiệm bà trong vai trò cố vấn chính phủ là Anders Tegnell đưa ra, bao gồm việc không ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Tuy vậy, Linde cho biết bà đã thay đổi quan điểm về vấn đề này, sau khi thấy rằng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Thụy Điển cao hơn các nước Bắc Âu lân cận, bao gồm Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan.

Thụy Điển trải qua hai ngày có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới
Thụy Điển không áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt phòng chống Covid-19 như một số nước châu Âu khác (Ảnh: Johan Nilsson/TT News Agency)

"Tôi cho rằng chúng tôi cần nhiều hơn gian hơn để chuẩn bị. Nếu áp dụng phong tỏa từ sớm, chúng tôi sẽ có thời gian làm những điều cần thiết bảo vệ sức khỏe cho nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao," bà Linde trả lời phỏng vấn của tờ Observer.

Các biện pháp ứng phó Covid-19 của Thụy Điển được đánh giá là ít giới hạn nhất trong số các nước phát triển. Nhiều trường học, quán bar, nhà hàng, trung tâm mua sắm và gym được phép hoạt động, trong khi người dân được phép tụ tập không quá 50 người. Những biện pháp này được xây dựng dựa trên tinh thần trách nhiệm của người dân.

Linde cho biết ban đầu bà đồng tình với các biện pháp mà chính phủ Thụy Điển theo đuổi.

"Tôi nghĩ quan điểm lúc đó là, dù có làm gì đi nữa, người dân cũng sẽ nhiễm bệnh. Khi Anders Tegnell nói rằng 'chúng ta sẽ làm phẳng đường cong, và sẽ bảo vệ người có nguy cơ', tôi nghĩ 'chúng ta sẽ đạt miễn dịch cộng đồng, đó có thể là chiến lược tốt'. Lúc đó tôi không chỉ trích cách tiếp cận này".

Tuy vậy kể từ thời điểm đó, nhiều nước đã cho thấy hoàn toàn có thể giảm số ca nhiễm và phần nào đó kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó, Thụy Điển lại không thành công trong việc bảo vệ người cao tuổi và các nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao khác.

"Nói rằng chúng tôi có thể bảo vệ người cao tuổi đúng là giấc mơ, không thực tế chút nào," bà Linde nói.

Ông Anders Tegnell, trong buổi phỏng vấn với đài truyền thanh quốc gia Thụy Điển, thừa nhận nước này "đang trong tình trạng tồi tệ", tuy vậy không cho rằng việc áp dụng phong tỏa có thể mang lại thay đổi tích cực.

"Rất dễ để đưa ra chỉ trích như vậy, và nói 'nếu chúng ta phong tỏa, chúng ta có thể đã làm được nhiều hơn'. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi, 'liệu chúng ta đã có thể làm điều gì để thay đổi tình trạng hiện nay,' thì tôi không nhận được câu trả lời nào," ông Tegnell cho hay.

Linde cho rằng Tegnell đã sai lầm khi cho rằng tỷ lệ tử vong cao ở các viện dưỡng lão tại Thụy Điển là do khâu quản lý của chính quyền địa phương và các công ty tư nhân.

Điều này "có vẻ logic", nhưng "lẽ cần phải thông báo với chính quyền rằng đã có sự chuẩn bị, để những người có tránh nhiệm đưa ra chiến lược biết cách tiếp cận nào có thể thực hiện được. Điều này trên thực tế không tồn tại," bà cho biết.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)