Thế giới

Tiêm kích F-35 có thể trở thành "tai mắt" trên bầu trời của Mỹ

Trang bị radar hiện đại, cảm biến tiên tiến cùng khả năng tàng hình, F-35 trở thành nút cảm biến lý tưởng để cung cấp thông tin mục tiêu từ sâu trong lãnh thổ địch.

 
Trang bị radar hiện đại, cảm biến tiên tiến cùng khả năng tàng hình, F-35 trở thành nút cảm biến lý tưởng để cung cấp thông tin mục tiêu từ sâu trong lãnh thổ địch.
 

Tiêm kích F-35 có thể đóng vai trò là các cảm biến tàng hình từ xa để phát huy tối đa hiệu quả của các hệ thống vũ khí Mỹ. Ảnh: USAF

Những người ủng hộ chương trình tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 từ lâu đã ví tiêm kích này như một nút cảm biến, và đây có thể là vai trò chủ yếu của chiến đấu cơ này chứ không phải không chiến hay tấn công mặt đất, theo National Interest. 

Với sự kết hợp của radar mảng pha chủ động (AESA) đa chức năng, cảm biến tiên tiến, kết nối bảo mật, khả năng tàng hình, tốc độ và tính cơ động cao, F-35 trở thành vũ khí lý tưởng đối với hoạt động tác chiến trong không phận và lưới phòng không của kẻ địch.

Với lợi thế đặc biệt này, chiến đấu cơ F-35 có thể tiến sâu vào lãnh thổ địch, truyền cảnh báo tấn công hoặc thông tin mục tiêu cho các oanh tạc cơ, máy bay kho vũ khí và các đơn vị phòng thủ tên lửa ở tuyến sau, cho phép họ tấn công mục tiêu ở tầm xa nhất và hiệu quả nhất.

Hải quân Mỹ đã mất nhiều năm để tăng sức mạnh cho các hệ thống tên lửa và không quân của mình bằng cách kết nối các cảm biến được lắp đặt trên các nền tảng khác nhau, kết hợp các dữ liệu thu được để cung cấp thông tin chính xác nhất cho các hệ thống đánh chặn.

Một trong những nỗ lực đó là Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực - Phòng không Tích hợp trên biển (NIFC-CA). Trong hệ thống NIFC-CA, thông tin về mục tiêu thu được từ radar gắn trên các tàu chiến, máy bay sẽ được gửi về hệ thống AEGIS để khai hỏa tên lửa đánh chặn SM-6 từ khoảng cách xa nhất.

Theo chuyên gia quân sự Dan Goure, với khả năng hạ cánh theo chiều thẳng đứng, tiêm kích F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ có thể là nền tảng tin cậy để cung cấp thông tin mục tiêu tới hệ thống AEGIS trên tàu chiến. Điều đó có nghĩa là tất cả tàu đổ bộ cỡ lớn và tàu sân bay Mỹ đều có khả năng triển khai tiêm kích F-35B hoặc F-35C để hoạt động như tai mắt vô hình trên bầu trời.

Càng lên cao, các cảm biến gắn trên F-35 càng phát huy được hiệu quả tối đa, có thể giúp khắc phục hạn chế về phạm vi phát hiện mục tiêu của các hệ thống đánh chặn mặt đất hiện nay như Patriot, AEGIS và THAAD. Điều này giúp AEGIS, Patriot và các hệ thống phòng không khác có khả năng đánh chặn ở tầm hoạt động xa nhất của tên lửa, cũng như thực hiện các chiến thuật tác chiến phức tạp như "bắn - quan sát - bắn", đảm bảo mục tiêu chắc chắn đã bị tiêu diệt. Hiệu quả chung việc phòng thủ có sự hiện diện của F-35 sẽ tăng lên.

Trong cuộc thử nghiệm diễn ra hôm 12/9 tại thao trường bang New Mexico, một tiêm kích F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ đóng vai trò là thiết bị cảm biến từ xa để phát hiện mối đe dọa ngoài đường chân trời cho mô hình tàu chiến trên cạn mang tên USS Desert Ship trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS.

Kết quả cho thấy F-35B có thể truyền dữ liệu về tên lửa hành trình đối phương đang lao tới thông qua Gói liên kết Dữ liệu đa Chức năng Hiện đại về một căn cứ mặt đất kết nối với Desert Ship. Hệ thống AEGIS Baseline 9.C1 trên Desert Ship đã phóng tên lửa SM-6, tiêu diệt thành công tên lửa hành trình đối phương.

Với khả năng đó, ngay cả khi đã sử dụng hết số vũ khí mang theo, F-35 vẫn là một thành tố quan trọng trong mạng lưới tác chiến của Mỹ trên chiến trường, Goure nhấn mạnh.

Theo Minh Anh (VnExpress.net)