Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Tìm ra kháng thể vô hiệu hóa Omicron, Mỹ sa thải lính từ chối tiêm vắc xin

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố đã phát triển được một loại kháng thể mới, có khả năng vô hiệu hóa Omicron và các biến thể tương lai của virus SARS-CoV-2.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc đã có phát hiện bất ngờ khi đang xem xét một căn bệnh khác. Giáo sư Huang Jinghe, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tin, việc khám phá ra kháng thể mới có thể giúp con người "đi trước một bước" trong cuộc đua chống đại dịch Covid-19.

Tìm ra kháng thể vô hiệu hóa Omicron, Mỹ sa thải lính từ chối tiêm vắc xin

Kháng thể mới được tổng hợp từ các thành phần của hai loại kháng thể khác nhau do các tế bào miễn dịch của con người tạo ra. Khi được dùng ở dạng nguyên bản, chúng vô hiệu trước Omicron. Song, khi được tổng hợp lại, chúng có thể phá vỡ tuyến phòng thủ của biến thể này.

Theo nhóm nghiên cứu, kháng thể mới cũng có khả năng vô hiệu hóa các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả Delta và virus gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và một số virus từ loài dơi.

Giáo sư Huang nói, kháng thể mới có thể được sản xuất bằng phương pháp cơ bản và trở thành vũ khí hỗ trợ mạnh mẽ cho cuộc chiến chống đại dịch. Bà và các cộng sự phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng quốc gia về các bệnh hô hấp ở Quảng Châu đã phát triển được 8 kháng thể chống Omicron trong thời gian ngắn.

Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên trang tin y tế Biorxiv ngày 31/1, nhưng chưa qua quá trình bình duyệt của các chuyên gia y tế khác.

Lục quân Mỹ sa thải lính từ chối tiêm vắc xin

Lục quân Mỹ ngày 2/2 tuyên bố sẽ lập tức sa thải các binh sĩ từ chối tiêm phòng Covid-19. Sắc lệnh được áp dụng đối với mọi binh sĩ lục quân thông thường, quân dự bị tại ngũ và các học viên trường sĩ quan lục quân nếu họ không được cho phép hoặc đang chờ miễn trừ tiêm vắc xin.

Reuters trích dẫn thông cáo của Lục quân Mỹ cho hay, sắc lệnh trên đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì năng lực sẵn sàng chiến đấu. Đây là động thái mới nhất của của lực lượng này nhằm sa thải các quân nhân từ chối tiêm chủng sau khi Lầu Năm Góc ban hành quy định tiêm vắc xin bắt buộc hồi tháng 8/2021.

Các lực lượng khác của quân đội Mỹ, bao gồm cả không quân cũng đang áp dụng chính sách tương tự. 

Đại đa số các quân nhân tại ngũ ở xứ sở cờ hoa đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Khoảng 79 quân nhân thuộc tất cả các lực lượng trong quân đội nước này đã tử vong vì nhiễm virus.

Hàn Quốc tăng kỷ lục số ca mắc mới

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 2/2 cho biết, số ca mắc mới Covid-19 ở nước này trong vòng 24 giờ là 20.270, mức cao kỷ lục kể từ trước tới nay. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày tại xứ sở kim chi vượt mốc 20.000 ca, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc từ đầu dịch lên 884.310 người, bao gồm 6.787 trường hợp tử vong.

Theo Yonhap, làn sóng lây nhiễm mới được tin do nhiều ổ dịch bùng phát ở khu vực thủ đô Seoul và lân cận vì biến thể Omicron.

Cho đến nay, Omicron đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo ở Hàn Quốc. Khoảng 87% dân số tại quốc gia Đông Bắc Á này đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, 85,7% hoàn thành các mũi tiêm cơ bản và 53,1% được tiêm mũi tăng cường.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 3/2 (giờ Việt Nam), đại dịch Covid-19 đã tấn công 223 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 385 triệu người, trong đó hơn 5,7 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, xấp xỉ 305 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 76,8 triệu ca mắc, hơn 916.000 bệnh nhân không qua khỏi. 64% người dân ở xứ sở cờ hoa đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản và 27% được tiêm mũi tăng cường.

- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến thể phụ BA.2 của Omicron mà các nhà khoa học gọi là "Omicron tàng hình" đã xuất hiện tại 57 quốc gia. Dù thông tin còn rất hạn chế, nhưng một số dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 có "tốc độ lây nhiễm tăng nhẹ so với BA.1". Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định cách đây 10 tuần, thế giới ghi nhận thêm gần 90 triệu ca mắc mới, cao hơn con số được báo cáo trong toàn bộ năm 2020. Ông kêu gọi các quốc gia dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống dịch một cách từ từ, chậm mà chắc trong bối cảnh số ca tử vong vì dịch vẫn tăng trên toàn cầu.

- Pháp ngày 2/2 bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế phòng chống Covid-19, bao gồm cả quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời. Đây là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Pháp nhằm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, dù quyết định vấp phải nhiều tranh cãi khi số ca mắc mới ở Pháp tháng trước tăng vọt tới mức kỷ lục vì sự lây lan của biến thể Omicron.

- Cùng ngày, cả Đức và Nga đều ghi nhận số ca mắc trong vòng 24 giờ cao nhất kể từ đầu dịch. Tại Đức, số ca mắc mới trong ngày tăng kỷ lục thêm 223.322 trường hợp, nâng tổng số ca mức trên toàn quốc lên hơn 10,3 triệu ca, trong đó gần 119.000 trường hợp thiệt mạng. Tại Nga, tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên tới hơn 12,1 triệu người, tăng 141.883 ca so với một ngày trước đó.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet) 




https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tinh-hinh-covid-19-the-gioi-3-2-tim-ra-khang-the-chong-omicron-813294.html