Thế giới

Tướng Nga: Không quân Nga sẽ quay lại Việt Nam

Đại tướng Pyotr Deinekin, cựu Tham mưu trưởng Không quân Nga từ 1991 – 1998 trả lời phỏng vấn hãng tin RIA ngày 12.8 cho biết mạng lưới sân bay Việt Nam cũng như trên đảo Matua của Nga ở tây bắc Thái Bình Dương đang được khôi phục nằm trong mối quan tâm về lợi ích của lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga.

Đại tướng Pyotr Deinekin, cựu Tham mưu trưởng Không quân Nga từ 1991 – 1998 trả lời phỏng vấn hãng tin RIA ngày 12.8 cho biết mạng lưới sân bay Việt Nam cũng như trên đảo Matua của Nga ở tây bắc Thái Bình Dương đang được khôi phục nằm trong mối quan tâm về lợi ích của lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga.

Cựu chỉ huy Không quân Nga, đại tướng Pyotr Deinekin nói rằng Không quân Nga sẽ sớm quay lại Việt Nam - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Nhân Ngày Không quân Nga 12.8, tướng Deinekin đã có buổi trả lời phỏng vấn với RIA về lực lượng Không quân vũ trụ Nga. Ông cho biết Không quân Nga đang được hiện đại hóa với quy mô lớn, tổ hợp công nghiệp -quốc phòng đang xúc tiến các dự án máy bay thế hệ mới. Việc phục hồi mạng lưới sân bay cho Không quân Nga không chỉ giới hạn ở Bắc Cực mà còn vươn ra tới Việt Nam, trên các đảo Thái Bình Dương và ở Syria.

Ngày 12.8 này kỷ niệm 104 năm thành lập Không quân Nga. Tướng Deinekin thừa nhận hiện tại Không quân Nga chưa phục hồi hoàn toàn sức mạnh như của hàng chục năm trước đây, nhưng những biện pháp của Bộ Quốc phòng Nga từ năm 2012 đã cải thiện đáng kể lực lượng Không quân Nga.

Tướng Deinekin nhận định rằng trước đây Liên Xô luôn đi sau Mỹ về các lĩnh vực động cơ máy bay, hệ thống điều khiển máy bay và định vị, chiến tranh điện tử và các vũ khí chính xác. Tuy nhiên ngày nay Nga không còn đi sau mà đang bắt kịp Mỹ.

Tướng Nga: Không quân Nga sẽ quay lại Việt Nam - ảnh 2
Đại tướng Pyotr Deinekin, cựu Tham mưu trưởng Không quân Nga từ 1991 - 1998 - RIA

Từ năm 1979 đến 2002, không quân Liên Xô và sau đó là Nga đã sử dụng sân bay ở Cam Ranh, Việt Nam. Mới đây Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẽ xây dựng một căn cứ hải quân và không quân trên đảo Matua trong quần đảo Kuril. Sân bay trên đảo này trước đây là 1 sân bay của Nhật thời Thế chiến II.

Báo Nga Gazeta ngày 16.12.2015 có bài viết cho biết Cam Ranh là nơi tàu chiến Nga thỉnh thoảng ghé vào để được cung cấp dịch vụ như tiếp tế. Vào cuối năm 2014, hai chính phủ Việt Nam và Nga ký thoả thuận về việc liên doanh xây dựng một cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm ở Cam Ranh.

Cũng từ năm 2014, máy bay tiếp dầu trên không Il-78 của Nga cũng được phép ghé Cam Ranh để có thể bay tiếp dầu cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 khi thực hiện các chuyến bay tuần tra ở khu vực Thái Bình Dương.

Tướng Nga: Không quân Nga sẽ quay lại Việt Nam - ảnh 3
Đội tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam tại Cam Ranh. Cam Ranh từng là nơi Liên Xô và Nga đặt căn cứ ở ngoài nước lớn nhất - Thanh Niên

Mới đây, tạp chí Công nghiệp - quân sự Nga ngày 20.7.2016 có bài phỏng vấn trung tướng Viktor Fedorovich Aistov, người đã có buổi hội đàm kéo dài gần 4 giờ với đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm Nga hồi tháng 5 (từ 16 - 18.5). Tướng Aistov là người chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng cơ sở cho quân đội Nga ở Cam Ranh thời Liên Xô còn sử dụng căn cứ này.

Theo tướng Aistov, Hải quân Nga bắt tay xây căn cứ mới trên đảo Matua trong quần đảo Kuril, tuy nhiên đảo này với diện tích 52 km2 vừa nhỏ, xa khu dân cư và không sánh nổi với căn cứ Cam Ranh, nơi chỉ riêng mặt vịnh đã rộng hơn 100 km vuông, độ sâu 32 m, đủ đón hơn 40 tàu chiến và cả tàu sân bay vào cùng lúc.

Bán đảo phía bắc và nam dẫn vào vịnh Cam Ranh như yết hầu, cùng các ngọn núi vây quanh tạo thành pháo đài thiên nhiên bảo vệ vịnh vững chắc. Đây là một trong những cảng nước sâu tốt nhất thế giới, theo tướng Aistov. Tướng Aistov nhận xét, với địa thế quan trọng trên Biển Đông, Cam Ranh như họng súng chĩa vào đầu đối phương. Đây là nơi rất thuận lợi để có thể triển khai phản ứng nhanh trước các động thái của đối phương.

Tướng Nga: Không quân Nga sẽ quay lại Việt Nam - ảnh 4
Cảng Cam Ranh nhìn từ trên cao - Ảnh: Bùi Văn Xuân

Khi được hỏi liệu Nga sẽ quay lại Cam Ranh, tướng Aistov nhận định rằng ngày nay Việt Nam là đất nước mở cửa, du lịch đang được đẩy mạnh, nhưng phải đối mặt với vấn đề môi trường. Trong khi đó Nga là một trong những nước hàng đầu về công nghệ xử lý chất thải, xử lý nước, nên hợp tác công nghệ giữa hai nước là rất gần gũi. Và với kinh nghiệm trong việc xây dựng ở lĩnh vực dân dụng và quân sự, không nghi ngờ rằng Nga sẽ sớm quay lại căn cứ Cam Ranh, tướng Aistov nói.

Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)