Tại tọa đàm về chuyển đổi xe xăng sang xe điện mới đây, PGS. TS. Nguyễn Đức Lượng - Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đã chia sẻ những kinh nghiệm từ các quốc gia châu Á; chỉ ra lộ trình dài hạn cho Việt Nam để tạo sự đồng thuận trong người dân và đảm bảo tính khả thi của quá trình chuyển đổi này.

Trong khuôn khổ toạ đàm Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau, do Báo Tiền Phong tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Đức Lượng - Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, việc chuyển đổi này không phải là vấn đề mới, nhiều quốc gia đã thực hiện từ hàng chục năm trước. 

Tuy nhiên, cách tiếp cận, đối tượng ưu tiên và lộ trình triển khai có sự khác biệt, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm vận hành của từng quốc gia.

Từ thực tiễn nghiên cứu, theo PGS.TS Lượng, Hàn Quốc là một ví dụ điển hình khi đặt mục tiêu đến năm 2030 với phần lớn ô tô mới là xe điện. Chính phủ Hàn Quốc có chính sách rất rõ ràng trong nghiên cứu, sản xuất pin và phát triển hạ tầng trạm sạc nhanh, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác công - tư để các tập đoàn lớn như Hyundai, Kia... triển khai chiến lược điện hóa phương tiện giao thông.

“Nhờ đó, Hàn Quốc đang là quốc gia đi đầu trong sản xuất xe điện trên thị trường toàn cầu. Đặc biệt, hệ thống trạm sạc được tích hợp trực tiếp vào quy hoạch phát triển đô thị thông minh, góp phần tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng”, PGS.TS Lượng nói.

duc-luong.jpg
PGS.TS Nguyễn Đức Lượng - Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Trọng Tài

Còn với Nhật Bản, việc phát triển xe điện bắt đầu từ rất sớm, từ đầu những năm 1990. Ngoài xe điện, Nhật còn đi đầu trong việc phát triển phương tiện hybrid, kết hợp giữa điện và nhiên liệu truyền thống. “Nhật Bản khuyến khích người dân sử dụng phương tiện xanh thông qua chính sách miễn, giảm thuế khi mua xe điện hoặc xe hybrid”, ông Lượng cho biết.

Tại các quốc gia đang phát triển, Ấn Độ là một trường hợp tương đồng với Việt Nam về cấu trúc phương tiện, khi số lượng xe hai bánh lớn. Chính phủ Ấn Độ tập trung vào chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe máy điện thông qua trợ giá, đầu tư nội địa hóa sản xuất pin và phương tiện điện, cùng lúc thực hiện phân loại đối tượng để ưu tiên chuyển đổi, như xe công nghệ, xe giao hàng.

Còn Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 30% tổng số xe trên thị trường sẽ là xe điện, đồng thời định hướng trở thành trung tâm sản xuất xe điện của Đông Nam Á. Quốc gia này đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện và linh kiện, cũng như trợ cấp phát triển hệ thống trạm sạc công cộng.

Trong khi đó, tại Indonesia - nơi có điều kiện giao thông khá tương đồng với Việt Nam, đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi 6 triệu xe máy điện vào năm 2025 và tăng lên 13 triệu vào năm 2030. Dù vậy, Indonesia vẫn phải đối mặt với những thách thức về hạ tầng và chi phí, đặc biệt là đối với các nhóm dân cư thu nhập thấp.

179-cat.jpg
Vừa qua, Sở Xây dựng TP Hà Nội có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý bến xe, các bãi đỗ xe, trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp kinh doanh vận tải triển khai và có báo cáo về việc lắp đặt trạm sạc cho xe điện và xe năng lượng xanh.

Từ những bài học nêu trên, ông Lượng tổng kết một số kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam có thể tham khảo. Trước hết, đó là xây dựng lộ trình dài hạn, minh bạch. Việt Nam cần sớm công bố kế hoạch chi tiết, phối hợp công khai giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

"Việc chuyển đổi cần sự đồng thuận và nhận thức rõ ràng từ người dân. Theo ông, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông như tổ chức các sáng kiến dùng thử, lái thử xe điện để người dân được trải nghiệm trực tiếp; hướng tới hỗ trợ song song cả doanh nghiệp và người dân, đặc biệt với nhóm yếu thế; phát triển hạ tầng sạc và hệ thống đổi pin...", PGS. Lượng nói.

Theo Châu Linh (Tiền Phong)