Người dân tại các khu tập thể cũ, khu phố cổ Hà Nội mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ phù hợp, cũng như bố trí các trạm sạc đầy đủ để chuyển đổi sang xe máy điện từ 1/7/2026 khi chính thức cấm xe máy chạy xăng. 

Cần giải pháp đồng bộ

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại khu phố cổ Hà Nội thuộc phường Hoàn Kiếm cho thấy, đa số người dân được hỏi ủng hộ chủ trương chuyển đổi xe máy điện. Tuy nhiên, có nhiều bất tiện đặc trưng của khu phố cổ cần được cơ quan chức năng giải quyết triệt để. Đó là các ngõ nhỏ sâu hun hút, san sát nhau, chỉ vừa cho một xe máy di chuyển. Hiện phố cổ có hàng trăm ngõ ngách như vậy.

6810068178336-86c180ba0a69ddff20f309ae113c8209.jpg
Bà Phương (60 tuổi, số 6 ngõ Gạch) đề nghị có chính sách hỗ trợ hợp lý, đồng thời đảm bảo đủ các trạm sạc cho người dân khi chuyển đổi xe máy điện

Bà Phương cho biết, các bãi xe được phường Hoàn Kiếm bố trí đầu ngõ Gạch và phố Nguyễn Siêu hiện nay đều không có điểm sạc xe điện. Trong khi các nhà trong ngõ vừa chật hẹp không thể đưa xe vào sạc được. "Tôi đề nghị chính sách hỗ trợ hợp lý, đảm bảo đủ các trạm sạc cho người dân khi chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe điện", bà Phương nói.

5-2501.jpg
Một ngõ nhỏ trên phố Hàng Buồm chỉ vừa đủ 1 xe máy đi vào.

Bà Đào (phố Hàng Buồm) cho hay nhà ở tầng 2 ngõ chỉ đủ 1 xe máy đi vào. Xe vẫn có thể để được trong sân nhưng sạc xe không thể xin nhờ hàng xóm tầng 1 được. Do đó, bà Đào kiến nghị cần có biện pháp an toàn để đảm bảo cho người dân sau khi chuyển đổi.

Tại khu chung cư N3 Nguyễn Công Trứ, phường Hai Bà Trưng, đây là một trong những khu chung cư cũ được cải tạo xây dựng lại đầu tiên của Hà Nội.

Ông Mai Xuân Cung - Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, phường Hai Bà Trưng - cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về chủ trương loại bỏ xe máy chạy xăng trong vành đai 1, ban quản trị tòa nhà đã họp để thống nhất chủ trương tăng cường các trạm sạc tới đây.

maixuancung.jpg
Ông Mai Xuân Cung - Tổ trưởng Tổ dân phố số 6.

"Tuy vậy, việc bổ sung các trạm sạc ngoài trời và dưới hầm để xe B1 cần chi phí lớn. Việc này quá sức với ban quản trị, do đó rất cần UBND TP. Hà Nội có hỗ trợ hợp lý để chung cư N3 có thể chuyển đổi, đảm bảo an sinh cho người dân", ông Cung nói.

Ghi nhận tại chung cư N3 Nguyễn Công Trứ cho thấy, xe máy được để phần diện tích bên ngoài và tầng B1. Tại tầng B1 có khoảng 20 nốt đỗ xe điện kèm ổ điện sạc xe. Theo quy định của chung cư N3, các điểm sạc tự động ngắt điện từ 23h để đảm bảo an toàn cháy nổ.

tp-a221ad7bc7bf7373f97717a153a8121f.jpg
Khu vực xe điện hiện nay tại chung cư N3 Nguyễn Công Trứ.

Bên cạnh đó, tại các đơn nguyên của khu tập thể cũ Nguyễn Công Trứ, việc gửi xe máy vẫn tự phát, chủ yếu tận dụng khoảng sân trước khu tập thể để xe.

Ưu tiên bố trí trạm sạc tại điểm giao thông tĩnh, bãi xe trong các tòa nhà

Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào đường vành đai 1 từ 1/7/2026, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí về những giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển đổi xe cộ để thực hiện chỉ thị trên.

Ông Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1.

Theo ông Tuấn, các chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng dựa trên kết quả rà soát kỹ lưỡng theo từng nhóm người sử dụng và từng loại xe. UBND TP. Hà Nội sẽ báo cáo Thành ủy, trình HĐND TP xem xét ban hành chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ các chi phí liên quan đến việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới.

6810068189677-944ad5ca1678a54ed4c102b667d98414.jpg
Các đơn nguyên H5, H6 khu tập thể Nguyễn Công Trứ tận dụng sân phía trước làm bãi gửi xe.

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định thành phố sẽ hỗ trợ tối đa, đúng nhóm người sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cư dân sinh sống trong khu vực Vành đai 1 cũng như những người thường xuyên di chuyển vào khu vực này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hà Nội cho hay với chính sách chuyển đổi phương tiện cá nhân, thành phố sẽ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực.

Cụ thể, Hà Nội dự kiến tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8-12 chỗ), xe điện 4 chỗ để trung chuyển nội đô tại Vành đai 1. Đồng thời, đẩy nhanh các tuyến đường sắt đô thị.

Theo ông Tuấn, thành phố cũng sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác. Trước mắt, thành phố ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư...

Từ năm 2017, Hà Nội đã đặt ra lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ vào năm 2030 (Nghị quyết số 04 được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 4/7/2017).

Sau đó, thành phố đã giao các đơn vị chuyên môn xây dựng đề án liên quan, trong đó có đề án "Phân vùng hạn chế xe máy, năng lực phục vụ của hệ thống vận tải công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030".

Theo Trần Hoàng (Tiền Phong)