Hai ngày gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội có dấu hiệu suy giảm đáng kể, khiến nhiều người dân cảm thấy khó chịu với cảm giác "bụi mịn rõ rệt" dù có mưa nhẹ.

Anh Huy Công Phan, một thành viên trên diễn đàn mạng, chia sẻ sự lo ngại: “Hai hôm nay chất lượng không khí ở Hà Nội tăng cao bất thường. Cảm giác ra đường hít phải bụi mịn rõ rệt, rất khó chịu, nhưng không rõ nguyên nhân do đâu”.

Anh Công Phan cũng phân tích rằng sự suy giảm này khó có thể do phương tiện giao thông hay bụi công trình, vì số lượng các yếu tố này không thể tăng đột biến trong thời gian ngắn để gây ra tình trạng nghiêm trọng như vậy. Anh băn khoăn về sự bất thường này khi cho rằng "nếu do thời tiết thì tối qua Hà Nội có mưa nhẹ, như vậy hôm nay không khí phải sạch hơn. Nhưng thực tế lại ô nhiễm nặng hơn".

Theo dữ liệu từ hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 11h15 sáng nay (15/7), chỉ số AQI của Hà Nội là 168, đạt mức "không lành mạnh".

Hà Nội chìm trong khói bụi - Ảnh Hoàng Hà .jpeg
Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà.

Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, chỉ số đo trên IQAir là chưa chính xác hoàn toàn. Vị lãnh đạo này khuyến nghị người dân nên truy cập vào ứng dụng VN Air – ứng dụng chính thức của Cục Môi trường về chất lượng không khí trên smartphone – để có thông tin tin cậy hơn.

Theo quan trắc trên VN Air, chỉ số AQI tại nhiều khu vực ở Hà Nội đều cho thấy chất lượng không khí ở mức kém.

Cụ thể, tại khu vực Nguyễn Văn Cừ là 141, và tại cổng Parabol Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) là 102 – mức màu cam, thể hiện chất lượng không khí kém. Tương tự, thông tin công bố trên website của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và ứng dụng iHanoi cũng xác nhận chỉ số AQI tại cổng Parabol Đại học Bách Khoa là 101, cho thấy chất lượng không khí kém.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội giải thích rằng nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng không khí kém là do điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, gây tích tụ bụi mịn trong không khí.

Để bảo vệ sức khỏe, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đưa ra các khuyến cáo sau: Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201–300), người dân bình thường nên hạn chế các hoạt động ngoài trời kéo dài hoặc cần gắng sức, ưu tiên các hoạt động trong nhà.

Nếu buộc phải ra ngoài, hãy sử dụng khẩu trang có khả năng ngăn ngừa bụi mịn. Bên cạnh đó, để giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nên hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp và tăng cường đi phương tiện công cộng.

Về vệ sinh cá nhân, người dân được khuyên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào khi không khí ô nhiễm nặng; đồng thời, vệ sinh mũi, súc họng sáng và tối bằng nước muối sinh lý (đặc biệt sau khi đi ngoài đường) và rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ để hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo Vũ Điệp (VietNamNet)