Đời sống

Mẹ nói một câu khi con kể bị bắt nạt ở trường để rồi sau đó hối hận không kịp vì chuyện đáng sợ xảy ra sau đó

Bị bạn bè chê bai ngoại hình và bắt nạt, nữ sinh 14 tuổi kể lại với mẹ nhưng bị mẹ gạt đi và cho rằng chỉ là việc trẻ con của tuổi học trò, chẳng bao lâu nữ sinh này nhập viện tâm thần.

Ths.BS Đỗ Thùy Dung từ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, có nhiều trẻ em là học sinh đã phải nhập viện sau khi bị bắt nạt ở trường. Một trong những trường hợp đáng chú ý là một nữ sinh 14 tuổi ở Bắc Ninh. Sau khi đến viện, nữ sinh này được chẩn đoán mắc trầm cảm mức độ nặng, có ý tưởng tự sát và hủy hoại bản thân.

Trước đó, nữ sinh này không có tiền sử tâm thần và đã có thành tích học tập tốt từ cấp I đến lớp 7. Hiện, nữ sinh đang sống cùng bố mẹ và em trai, thỉnh thoảng có xảy ra mâu thuẫn với mẹ vì cảm thấy mẹ không hiểu và không quan tâm đến mình. Mẹ của nữ sinh cho rằng con gái mình là đứa trẻ ngoan, biết nhường nhịn em trai nhưng ít chia sẻ chuyện trường lớp với bố mẹ.

Tuy nhiên, một năm trở lại đây, cô bé có mâu thuẫn với một nhóm bạn trong lớp. Các bạn hay mỉa mai ngoại hình, nói xấu và cho rằng cô bé kiêu ngạo, khinh thường người khác. Thậm chí, các bạn còn gây chuyện bằng cách nhìn đểu và nói móc em.

"Các bạn thường đe dọa, xúc phạm, đôi khi thậm chí còn đánh cháu trong giờ chơi, và có lúc họ chặn đường ngoài trường để gây căng thẳng. Đã có lần cháu nói chuyện với mẹ về vấn đề gặp phải với các bạn trên lớp, nhưng mẹ cho rằng đó chỉ là những việc trẻ con của tuổi học trò nên đi mà tự giải quyết", nữ sinh này chia sẻ.

Mẹ nói một câu khi con kể bị bắt nạt ở trường để rồi sau đó hối hận không kịp vì chuyện đáng sợ xảy ra sau đó
Ảnh minh họa

Sau hơn một năm bị bắt nạt, nữ sinh này đã trở nên căng thẳng và sợ hãi, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Cô bé thậm chí luôn sống trong sự sợ hãi, phải che kín mặt khi ra đường, và thường xuyên nghỉ học.

Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, nữ sinh đã nghỉ học hoàn toàn, chỉ ở trong phòng khóc lóc và có những suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Thậm chí, cô bé có ý định tự sát và đã có hành vi tự gây thương tích để giảm căng thẳng.

Mẹ của nữ sinh nhận thấy sự thay đổi, sa sút hơn của con gái, đã quan tâm và gặng hỏi nhưng bệnh nhân chỉ trả lời một cách cộc cằn hoặc im lặng. Lo lắng cho con, gia đình đã đưa nữ sinh đến khám và nhập viện tâm thần. Bác sĩ chẩn đoán rằng trẻ bị ảnh hưởng trầm cảm nặng, có ý định tự sát và có hành vi tự gây thương tích.

Sau quá trình điều trị, trạng thái tương tác và chia sẻ của bệnh nhân vẫn còn hạn chế với người thân và nhân viên y tế. Tuy nhiên, ý định tự sát đã giảm và cô ta đã kiểm soát được hành vi tự gây thương tích. Theo BS Đỗ Thùy Dung, hiện trẻ đã bắt đầu nghỉ hè, nên có nhiều thời gian để thăm khám và điều trị ngoại trú, hy vọng tình trạng sẽ được cải thiện.

BS II Nguyễn Hoàng Yến, chuyên viên tại Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai cảnh báo, hành vi bắt nạt học đường có nhiều hình thức khác nhau, có thể biểu hiện qua hành vi đánh mắng, chửi bới, kín đáo hơn có thể bắt nạt qua mạng.

Dù là hành vi bắt nạt nào thì cũng đều nghiêm trọng, có tác động ngắn hạn và dài hạn đối với cá nhân bị  bắt nạt, kéo theo hàng loạt các vấn đề về sức khỏe tâm lý và sức khỏe thể chất. 

Một số nghiên cứu cho thấy, những cá nhân bị bắt nạt trên mạng thường có mức độ trầm cảm và ý định tự sát cao hơn cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ, thái độ thù địch với bên ngoài và hành vi phạm pháp so với những người không bị bắt nạt.

Vì vậy, phát hiện và can thiệp hành vi bắt nạt kịp thời sẽ cải thiện và giúp trẻ “thoát ra” đúng hướng để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và học tập.

Bác sĩ Hoàng Yến tư vấn, để giải quyết vấn đề này, trước hết cần xây dựng môi trường nhà trường nói không với bát nạt học đường; Giáo dục cho học sinh về việc tôn trọng quyền cá nhân, sức khoẻ, nhân phẩm của người khác;

Tăng cường vai trò của giáo viên, nhân viên tâm lý và gia đình trong đánh giá và giải quyết các vấn đề về bát nạt học đường. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, hợp tác liên ngành hoặc cung cấp đường dây nóng hỗ trợ cũng là cách kết hợp để giải quyết vấn đề.

Với những trẻ bị đã bị ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý thì cần đưa đến cơ sở y tế để can thiệp chuyên môn.

HL (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/me-noi-mot-cau-khi-con-ke-bi-bat-nat-o-truong-de-roi-sau-do-hoi-han-khong-kip-vi-chuyen-dang-so-xay-ra-sau-do-d163803.html