Một bệnh nhân nam 36 tuổi ở Đài Loan (Trung Quốc) bất ngờ được chẩn đoán bị suy thận, tiểu đường loại 2 khi đi khám tại bệnh viện.

Mới đây, bác sĩ Quách Hinh Mỹ, Bệnh viện Chương Hóa, Đài Loan (Trung Quốc) đã chia sẻ về trường hợp của một bệnh nhân nam 36 tuổi bị suy thận từng điều trị tại bệnh viện.

Bệnh nhân tên Tần Lăng, đến khám do có biểu hiện tiểu đêm nhiều lần, khiến giấc ngủ gián đoạn và gây mệt mỏi. Theo anh Tần, tình trạng tiểu đêm kéo dài gần 1 năm.

Kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện cho thấy nồng độ hemoglobin glycosyl hóa (HbA1c - dấu hiệu nhận biết tiểu đường) của anh Tần đạt mức 13%. Đây là mức rất cao, bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2.

Bên cạnh đó, xét nghiệm microalbumin niệu đạt mức 42 mg/dL (giá trị bình thường dưới 30 mg/dL), cho thấy thận có dấu hiệu tổn thương. Kiểm tra chuyên sâu chức năng thận kết luận anh Tần gặp biến chứng suy thận do tiểu đường loại 2.

Suy thận ở tuổi 36, người đàn ông ân hận “tôi uống thứ này thay nước lọc vì tưởng tốt cho sức khỏe” - Ảnh 1.
Bệnh nhân đi khám vì thường xuyên tiểu đêm và bất ngờ phát hiện mắc tiểu đường loại 2, suy thận. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân gây tiểu đường loại 2, suy thận

Qua khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ Quách Hinh Mỹ phát hiện anh Tần có thói quen uống trà kém lành mạnh.

Cụ thể, anh Tần chia sẻ: “Tôi rất thích uống trà đen có đường được phục vụ miễn phí ở quầy hàng của siêu thị gần nhà. Tôi thường mang một bình to đến lấy trà và đem về nhà uống thay nước lọc vì cho rằng trà đen tốt cho sức khỏe”.

Bác sĩ Quách Hinh Mỹ giải thích trà đen tốt cho sức khỏe, nhưng trà đen thêm đường có thể gây tăng đường huyết, đặc biệt là khi uống với lượng lớn, uống thay nước lọc như trường hợp của anh Tần.

Khi uống một lượng lớn trà thêm đường, lượng đường bổ sung trong trà sẽ được cơ thể hấp thụ và gây tăng đường huyết nhanh chóng, dẫn đến tích tụ mỡ nội tạng và gây ra tình trạng kháng insulin. Kháng insulin kéo dài có thể gây rối loạn chuyển hóa và dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.

Ngoài ra, theo bác sĩ Quách Hinh Mỹ, tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài (do thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường hoặc do bệnh tiểu đường loại 2) cũng làm tăng gánh nặng cho thận, buộc thận phải làm việc liên tục để lọc các chất có hại ra khỏi máu. Lâu dần tình trạng này sẽ khiến mô thận bị tổn thương, xơ hóa và gây biến chứng suy thận.

Suy thận ở tuổi 36, người đàn ông ân hận “tôi uống thứ này thay nước lọc vì tưởng tốt cho sức khỏe” - Ảnh 2.
Trà thêm đường có thể gây hại cho cơ thể nếu uống quá nhiều.

Khi nghe bác sĩ giải thích, anh Tần vô cùng hối hận: “Tôi cứ tưởng dù thêm đường thì trà đen vẫn tốt cho sức khỏe nên mới uống thay nước lọc. Tôi không ngờ thói quen này lại có thể gây hại cho đường huyết và thận đến vậy”.

Bác sĩ sau đó đã hướng dẫn anh Tần thay đổi chế độ ăn uống, kê đơn thuốc để kiểm soát đường huyết và bệnh thận. Bác sĩ cũng nhắc nhở anh Tần cần đến tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh liều lượng thuốc điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Quách Hinh Mỹ, ở lần tái khám gần đây nhất, tình trạng sức khỏe của anh Tần đã ổn định, bệnh tiểu đường và suy thận đều đã được kiểm soát hiệu quả, không có dấu hiệu tiến triển nặng.

Theo Mộc Miên (nguoiduatin.vn)