Gia đình

Cách ăn tốt cho sức khỏe: '4 chân không bằng 2 chân, 2 chân không bằng 1 chân'

Quan điểm dinh dưỡng xưa và nay đều cho rằng rau quả tốt hơn gà, vịt (loài 2 chân) và bò, lợn (loài 4 chân).

Cuốn sách Quy tắc Thực phẩm của Michael Pollan từng lọt vào danh sách bán chạy của New York Times. Tác giả đưa ra 64 quy tắc đề cập tới quan điểm lựa chọn thực phẩm. 

Trong đó, Pollan cũng đề cập tới đánh giá dinh dưỡng thực phẩm theo quan điểm phương Đông: “4 chân không bằng 2 chân, 2 chân không bằng 1 chân”. 

Thực phẩm 4 chân gồm bò, lợn; 2 chân là các loại gà, vịt; 1 chân là nấm, rau, củ, quả. 

Nhìn chung, quan điểm lâu đời trên tương đồng với những kết quả nghiên cứu hiện đại. 

Cách ăn tốt cho sức khỏe: '4 chân không bằng 2 chân, 2 chân không bằng 1 chân'
Thịt gà được đánh giá cao hơn thịt bò. Ảnh minh họa: iStock, Foodtank

Thịt bò, lợn không bằng thịt gà, vịt 

Theo Lybrate, những người có ý thức về cân nặng thường lựa chọn thịt trắng (gà, vịt) thay cho thịt đỏ (bò, lợn). Hàm lượng chất béo trong thịt gà chỉ khoảng 11%, trong khi chỉ số này ở thịt lợn là 45%. 

Hàm lượng protein trong thịt trắng cao hơn. 100g ức gà có khoảng 30g protein, trong khi cùng một lượng thịt cừu và thịt lợn chỉ chứa 22,5g và 27,5g protein. 

Dù vậy, thịt trắng chứa ít chất dinh dưỡng hơn so với thịt đỏ. Thịt đỏ rất giàu niacin, vitamin B1, B2, B12, sắt và các khoáng chất như kẽm, phốt pho. B12 hỗ trợ sức khỏe thần kinh và đảm bảo các tế bào hồng cầu hoạt động tốt, kẽm tăng cường miễn dịch.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ cả hai loại thịt từ lâu đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau. Sự hiện diện của myoglobin, một loại protein trong thịt đỏ, là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Ngoài ra, ăn thịt đỏ có mối liên hệ với huyết áp cao và bệnh tim.

Thịt trắng và thịt đỏ đều có những lợi ích và rủi ro sức khỏe riêng. Do đó, các nhà chuyên môn khuyên chỉ nên đưa một lượng nhỏ vào chế độ ăn uống. 

Cách ăn tốt cho sức khỏe: '4 chân không bằng 2 chân, 2 chân không bằng 1 chân' - 1
Rau củ quả tốt cho sức khỏe nhưng cần lên kế hoạch tính toán chi tiết, tránh thiếu chất. Ảnh minh họa: Britannica

Tác dụng của rau củ quả

Theo Healthline, một số nghiên cứu ghi nhận chế độ ăn thuần chay cung cấp nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và các hợp chất có lợi. Các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật giàu kali, magie, vitamin A, C và E hơn. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các chế độ thuần chay đều có tác dụng như nhau. Thực đơn ăn sơ sài có thể không cung cấp đủ lượng vitamin B2, B12, niacin, vitamin D, canxi, iốt, selen hoặc kẽm. Bạn cần xem xét bổ sung dinh dưỡng nếu cần. 

Chế độ ăn thuần chay có thể thúc đẩy quá trình giảm cân mà không cần phải tích cực tập trung vào việc cắt giảm lượng calo. Người ăn nhiều rau củ quả sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Cách ăn uống này đặc biệt hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm đau do viêm khớp. 

Theo An Yên (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/cach-an-tot-cho-suc-khoe-4-chan-khong-bang-2-chan-2-chan-khong-bang-1-chan-2157354.html