Gia đình

Khổ sở vì sốt virus 'hành hạ': Ốm cả tuần không khỏi, cơ thể suy kiệt như vừa trải qua đại phẫu

Những ngày gần đây, nhiều người cho biết đã sốt nặng, kéo dài không thể làm được bất cứ việc gì, cơ thể như rơi vào "suy kiệt".

Các bác sĩ cho biết các dấu hiệu trên là sốt virus do nhiều loại virus gây ra, với người lớn sốt virus thường nhẹ có thể tự khỏi sau 2-7 ngày. Tuy nhiên cũng có trường hợp sốt cao, diễn biến nặng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Trang (30 tuổi, trú tại Hà Nội) vừa trải qua mười ngày sốt kéo dài khiến chị mệt mỏi, khó tập trung công việc. Chị kể lại: "Ngày đầu tiên sốt cao gần 40oC, lo sợ mắc sốt xuất huyết, tôi đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Thực hiện hàng loạt xét nghiệm máu, siêu âm, xét nghiệm sốt xuất huyết, cúm A, B. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán sốt virus, điều trị ngoại trú".

Sau khi về nhà chị Trang tiếp tục sốt liên tiếp bốn ngày, phải uống thuốc hạ sốt liên tục, người đau nhức, miệng đắng ngắt không thể ăn uống được gì. Đến ngày thứ năm thì bắt đầu hạ sốt, nhưng cứ đến chiều tối là đầu và người lại mệt mỏi, sốt nhẹ và đau đầu. Chỉ sau một tuần, chị Trang đã bị sụt mất 4kg, người vô cùng mệt mỏi. Đây là trận ốm lớn nhất mà chị từng trải qua.

Khổ sở vì sốt virus 'hành hạ': Ốm cả tuần không khỏi, cơ thể suy kiệt như vừa trải qua đại phẫu

Giống như chị Trang, anh Sơn (25 tuổi, trú tại Hà Nội) cũng được bác sĩ chẩn đoán sốt do virus gây nên, người "bơ phờ" sau hơn một tuần nằm "liệt".

"Tôi không thể nhấc được người dậy vì đau đầu, đau người, đau họng và không ăn uống được. Mặc dù không có diễn biến nặng nhưng chỉ sốt cũng khiến tôi như người vừa trải qua đại phẫu", anh Sơn ngán ngẩm nói.

Gặp tình trạng tương tự, chị Lương Quỳnh Thương (24 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho Zing biết cũng có triệu chứng sốt, khó thở, mệt mỏi suốt hơn một tuần.

“Trước đây, khi thay đổi thời tiết, tôi cũng hay cảm vặt. Tuy nhiên, thường chỉ đau họng, chảy mũi khoảng 1-2 ngày là hết. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi ốm lâu đến thế”, Thương nói.

Do lo ngại tái nhiễm nCoV, cô gái này cũng tự test nhanh Covid-19 tại nhà nhưng kết quả âm tính. Đến ngày thứ 4 vẫn còn sốt, Thương quyết định đi khám tại bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán sốt do virus.

Theo Quỳnh Thương, tình trạng sốt cao chủ yếu xuất hiện vào chiều tối và đêm. Đến khi hạ sốt, các triệu chứng đau họng, khó thở vẫn kéo dài thêm vài ngày sau đó. Sau một tuần điều trị nhưng chưa thể dứt điểm hoàn toàn các triệu chứng này, Thương chia sẻ bản thân stress và mệt mỏi phần lớn vì hết kiên nhẫn với bệnh.

“Tôi đã phải tạm hoãn rất nhiều dự định và lịch hẹn vì tình trạng này. Hồi bị Covid-19, tôi cũng không bứt rứt đến thế”, Thương tâm sự.

Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến - khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chia sẻ với Tuổi Trẻ - hầu hết các trường hợp sốt virus dấu hiệu quan trọng và nổi bật nhất đó là sốt rất cao, có thể trên 39 độ C tùy vào chủng virus. Các cơn sốt có thể liên tục tăng và giảm trong thời gian nhiễm bệnh, có thể sốt lên đến 40 - 41 độ C.

Khổ sở vì sốt virus 'hành hạ': Ốm cả tuần không khỏi, cơ thể suy kiệt như vừa trải qua đại phẫu - 1

Ngoài biểu hiện sốt cao thì người bệnh còn có các biểu hiện như đau đầu, nhức đầu dữ dội, viêm đường hô hấp (viêm họng, rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi), nổi mẩn, đau nhức khắp người, đau cơ, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh còn có thể buồn nôn, nôn...

"Để chẩn đoán sốt virus, các bác sĩ thường sẽ dựa vào bệnh sử, triệu chứng và chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán. Các xét nghiệm cần thiết như sốt xuất huyết, xét nghiệm máu nhằm xác định có tình trạng nhiễm trùng hay không. Từ đó, xác định được chính xác tình trạng cũng như nguyên nhân của sốt. Với tình trạng nhiều dịch bệnh đang diễn biến, việc xác định chính xác nguyên nhân gây sốt để có hướng điều trị kịp thời là rất cần thiết. Sốt virus nếu không biến chứng chỉ cần điều trị ở nhà. Điều trị triệu chứng như hạ sốt giảm đau bằng thuốc thông thường, uống đủ nước (nước lọc, nước trái cây, nước có chất điện giải) và không cần truyền dịch", bác sĩ Tiến nói.

Liên quan vấn đề này, Zing dẫn lời PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, nhất là trong thời tiết nóng ẩm hay nóng lạnh.

Nguyên nhân là thời tiết nắng mưa thất thường, tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh phát triển mạnh. Đặc biệt với trẻ em, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ mắc bệnh hơn người lớn.

Thông thường, các triệu chứng của sốt virus bao gồm:

Sốt cao: Thân nhiệt nóng, sốt cao với cảm giác khi nóng, khi lạnh, sốt cùng hiện tượng co giật, nhiệt độ có thể cao trên 38,5 độ C hoặc cao hơn từ 40 đến 41 độ C.

Đau đầu: Cảm giác mệt mỏi, thường có dấu hiệu đau đầu, nhức đầu dữ dội, các hiện tượng choáng váng đầu óc, ngoài ra còn kèm theo các cảm giác đau nhức toàn thân, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, nặng nề.

Các biểu hiện liên quan tới đường hô hấp: Viêm họng, họng đỏ, có thể sưng tấy, ho, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục.

Nôn: Có thể xảy ra sau những bữa ăn, ngoài ra còn có thể biểu hiện của nôn khan.

Khát nước: Cảm giác thèm nước dù uống nước liên tục, miệng đắng, kèm theo cảm giác chán ăn.

Viêm hạch: Do bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp, có thể xuất hiện các hạch vùng đầu, cổ, có thể nhìn hoặc sờ thấy được.

Phát ban: Xuất hiện 2 hoặc 3 ngày sau khi sốt, trên da nổi những nốt ban nhỏ li ti.

Rối loạn đường tiêu hóa: Có thể đi ngoài phân lỏng, nhầy.

Khổ sở vì sốt virus 'hành hạ': Ốm cả tuần không khỏi, cơ thể suy kiệt như vừa trải qua đại phẫu - 2

Theo PGS Dũng, thông thường, bệnh nhân sốt virus có thể khỏi sau 5-7 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

Viêm phổi: Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.

Viêm tiểu phế quản: Hay gặp ở trẻ dưới một tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng có thể xảy ra với trẻ nhỏ.

Viêm thanh quản: Khi thanh quản bị sưng phù có thể khiến trẻ bị khó thở, thở rít.

Viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim: Sau khi hết sốt, trẻ vẫn mệt, lịm đi, không chơi nghịch, không ăn được, bố mẹ cần cẩn thận. Đáng ngại nhất là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và có thể mang di chứng nặng nề.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Nếu không xảy ra những biến chứng nguy hiểm trên, phần lớn bệnh nhân sẽ tự khỏi sau vài ngày.

Người bệnh chỉ cần được hạ sốt khi sốt cao, uống thuốc ho, uống nhiều nước và nhất là nghỉ ngơi. Tuyệt đối không ra ngoài đi chơi, đi học... sau khi uống thuốc để tránh những biến chứng xảy ra”.

Cũng theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân bị sốt virus không nhất thiết phải tới bệnh viện mà có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý giữ nhà cửa và phòng thoáng mát (tuyệt đối không đóng kín cửa), không mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp nhiều chăn. Khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, người bệnh cần uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/kho-so-vi-sot-virus-hanh-ha-om-ca-tuan-khong-khoi-co-the-suy-kiet-nhu-vua-trai-qua-ai-phau-a362570.html