Mấy năm trước, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng đã từng gây bão khi tuyên bố: Nhiều người Việt ham tiền, háo danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa TƯ, khi hưu trí về sống giữa những người dân, đã có những câu thơ đầy lo lắng:

Đất nước những năm thật buồn

Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt

Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành

Như kẻ khát nước qua sa mạc

……

Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má

Không phải gạt vội vì xấu hổ

Ngước mắt, tin yêu mọi người

Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta

Trong không gian đầy sợ hãi?

4. Bông hoa đẹp nhất, tính ích kỷ và sự sợ hãi

Trần Nhất Hoàng, cựu thành viên ban nhạc Bức tường, đã kể lại một chi tiết ám ảnh.

Trong hàng trăm dòng tin nhắn của bạn bè xót thương Trần Lập, có một người em gái gửi tới hình ảnh có ghi mẩu đối thoại.

Cô gái nhỏ thảng thốt: “Mẹ ơi, sao người tốt lại chết trẻ?”.

Người mẹ nhỏ nhẹ đáp: “Khi vào một vườn hoa, con sẽ ngắt bông hoa nào?”.

Con gái trả lời: “Bông hoa đẹp nhất!”.

Câu chuyện là một lời an ủi, nhưng tôi lại thấy thật buồn vì thẳm sâu trong mẩu đối thoại đó, phản ánh rất đúng bản tính ích kỷ, tư lợi của nhiều người Việt: Thấy hoa đẹp phải ngắt về cho riêng mình, chứ không để mọi người cùng ngắm.

Nhiều nơi, cây cối công cộng bị vặt trụi sau đêm giao thừa, vì ai cũng muốn có lộc riêng cho nhà mình.

Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi: “Sao nhiều người tốt phải chết sớm như vậy?”.

Vì người tốt đâu có được ăn những thực phẩm tốt?

Vì rất rất nhiều người tốt, chính trực thì lại không tốt về “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ”, nên thường nghèo.

Nghèo thì khó mua thực phẩm sạch. Nghèo thì không có tiền tầm soát ung thư sớm. Không có cơ hội sang nước ngoài chữa bệnh, không đủ tiền xạ trị, hóa trị. Nghèo thì đành xin bệnh viện trả về đợi định mệnh giáng xuống.

Chúng ta không bi quan như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn.

Người Việt thường biết vượt thoát và tự cứu được mình trong những thời khắc ngặt nghèo hoặc khi bị đẩy đến giới hạn cuối cùng của sự sợ hãi, của sự xấu hổ, của sự đau đớn, tủi nhục.

Phần thiện tiềm ẩn trong mỗi người Việt và trong xã hội vẫn rất lớn. Những câu chuyện nhân bản và biết hy sinh ngày càng có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.

Đó là lý do tại sao tôi thấy mừng khi những người phản đối bài báo “Làm người Việt là một định mệnh” nói đến hai từ “sợ hãi”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói rằng, tự thấy chính ông đang phải sống trong một giai đoạn có nhiều sợ hãi.

Nhưng ông cũng lưu ý rằng, chúng ta phải cảnh tỉnh xã hội, dù “việc đó không hề dễ, bởi nó cần những người có lương tri phải dũng cảm”.

Rất dễ để trả lời câu hỏi: Tại sao Bí thư Đinh La Thăng, Bí thư Nguyễn Xuân Anh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh… nhanh chóng được dân yêu đến như vậy?

Bởi vì các ông đang hàng ngày làm bớt đi nỗi sợ hãi của người dân bằng “lương tri dũng cảm” của chính mình.

Có người nói rằng, để thức tỉnh nhiều người Việt, chữa cho họ hết bệnh gian, tham, vô cảm, hèn nhát, cần một chặng đường dài, thậm chí phải một vài thế hệ.

Việc đầu tiên mà chúng ta cần làm là truyền thông để cho tất cả người Việt biết sợ hãi, biết căm giận cái ác, cái xấu của đồng loại.

Người Việt có câu rất hay để phê phán những người sống vô trách nhiệm, vô cảm: “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”.

Khi đã thấy sợ hãi và căm giận đến tận cùng, người ta sẽ không còn muốn sống chung, cam chịu với chúng.

Những bài báo nhỏ như thế này, chỉ muốn góp một phần rất nhỏ vào việc đánh thức cảm giác biết sợ hãi khi làm điều xấu của người Việt.
 
>> Hàng trăm con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi vào lò mổ
>> Ảnh ngư dân nhuộm đỏ con ruốc gây "bão" mạng
>> Bỏ tù người dùng chất cấm cho heo ăn được không?
>> Trên 6 triệu con heo xơi chất cấm vô bụng người Việt
 
Theo Bùi Hải (Soha.vn/Trí thức trẻ)