Gia đình

Những thói quen sai lầm của các bà nội trợ khi mua thịt: Tưởng không sao mà rước bệnh đầy người

Mua thịt chế biến sẵn và thái thịt tại chỗ bán là sự lựa chọn của nhiều bà nội trợ khi bận rộn. Tuy nhiên, những thói quen tưởng chừng như vô hại này lại mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe của chúng ta.

Nhiều bà nội trợ chỉ quan tâm đến việc liệu rằng những miếng thịt mình mua có đảm bảo chất lượng và nguồn gốc sạch hay không, mà không để ý rằng những thói quen khi mua thịt tại chợ tưởng như vô hại lại gây hậu quả lớn cho sức khỏe các thành viên trong gia đình chúng ta.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), việc lựa chọn thịt, chế biến đến khi bảo quản, ăn vào miệng… cũng như bất cứ loại thực phẩm nào khác đều có một quy trình nhất định. Do đó, bất cứ ở khâu đoạn nào, chúng ta cũng cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ để luôn khỏe mạnh. Một số thói quen khi mua thịt tại chợ của nhiều chị em nội trợ sau đây cần được điều chỉnh kịp thời nếu không muốn tiền mất tật mang:

1. Mua thịt xay sẵn

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, đây là thói quen khi mua thịt tại chợ mà hầu như ai cũng duy trì kể từ khi chiếc máy xay thịt ra đời. Ưu điểm của thói quen này là vô cùng tiện lợi, bạn không phải lách cách thái thái, băm băm tại nhà vừa mệt vừa tốn thời gian. Nhưng chiếc cối xay thịt ở những cửa hàng bán thịt thì không có gì là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cả.

Những thói quen sai lầm của các bà nội trợ khi mua thịt: Tưởng không sao mà rước bệnh đầy người

"Chiếc cối xay thịt của người bán hàng sử dụng để xay thịt cho nhiều người có nhu cầu. Họ xay thịt buổi sáng, rồi xay thịt buổi chiều, đôi khi chỉ lau qua loa cho sạch. Trong khi đó, bản thân việc rửa cối cũng đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định để cối hết nhờn, còn việc thịt chui vào kẽ thì không thể đảm bảo lấy ra hết được 100%. Từ những chi tiết nhỏ nhặt ấy, ngày qua ngày sẽ tích tụ lượng vi khuẩn sinh sôi, vô tình chui tọt theo từng túi thịt xay cho khách hàng là sự thật khó chối cãi", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Ngoài ra, ở các chợ, thịt xay sẵn thường gồm thịt cổ lợn trộn chung với các loại thịt khác để xay nhuyễn làm bánh bao, nem, thịt nhồi…. Đây chính là phần hay chọc tiết lợn nên thịt có màu đỏ được gọi là thịt cổ lợn hay thịt cổ máu. 

Thậm chí, phần thịt xay trông rất tươi ngon được bày bán sẵn vô cùng tiện lợi để chế biến các món ăn như chả lá lốt, đậu phụ nhồi thịt... cũng có thể đã bị pha trộn lẫn loại thịt này vào.

Hạch bạch huyết của lợn là những cục màu trắng xám hoặc vàng nhạt, phân bố khắp cơ thể lợn. Các hạch này đều chứa mầm bệnh như vi khuẩn và virus, vừa có mùi hôi khó chịu lại còn có thể trực tiếp truyền bệnh vào cơ thể, rất khó tiêu diệt dù được nấu ở nhiệt độ cao.

Những thói quen sai lầm của các bà nội trợ khi mua thịt: Tưởng không sao mà rước bệnh đầy người - 1

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm, cổ lợn là một trong những bộ phận không nên ăn. Khi lợn bị giết, vùng cổ là nơi chọc tiết vì vậy có rất nhiều máu tích tụ lại ở vùng này. Ngoài ra, vùng cổ cũng là nơi mà lợn thường được tiêm thuốc.

Vì lẽ đó, thịt cổ lợn trông rất ngon mắt nhưng có giá thành khá rẻ. Ở các chợ, thịt cổ lợn thường được trộn chung với các loại thịt khác để xay nhuyễn làm bánh bao, nem, thịt nhồi…. Để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe, bạn nên hạn chế ăn các món từ thịt xay sẵn.

2. Thái thịt luôn ở chợ

Nhờ người bán hàng thái thịt luôn trên thớt của họ là thói quen khi mua thịt tại chợ của hầu hết các bà nội trợ. Chưa hết, nhiều bà nội trợ còn sử dụng thịt đó để nấu chín chứ không rửa qua nước một chút nào. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trước hết phải nói đây là thói quen lười biếng trong nấu ăn của nhiều người làm vợ, vô hình chung dẫn đến tác hại sức khỏe cho chồng, đặc biệt là cho con cái và chính bản thân họ.

"Phản thịt của những người bán thịt lợn, thịt bò… ngoài chợ vốn đã là nơi chứa thịt không có gì được coi là sạch sẽ. Nếu đồng ý cho người ta thái luôn, đem về nhà sử dụng thì chỗ thịt đó cũng đã nhiễm một lượng vi khuẩn nhất định. Thịt vốn là thực phẩm không bao giờ sạch tuyệt đối được, phải rửa đi rửa lại nhiều lần. Kể cả chỉ một lần rửa thịt sau đó thái ra trên thớt của người bán thịt và đem về sử dụng cũng là thói quen ăn uống gây hại sức khỏe.

Những thói quen sai lầm của các bà nội trợ khi mua thịt: Tưởng không sao mà rước bệnh đầy người - 2

Bên cạnh phản thịt, thớt thái thịt của chủ hàng cũng không sạch sẽ. Chúng ta đừng quên thớt trong gia đình luôn là vật dụng chứa nhiều vi khuẩn nhất, huống chi đây là thớt thái thịt ngoài hàng. Họ sử dụng thớt này để thái đủ loại thịt khác nhau, thịt dạng sống dễ phát triển vi khuẩn sau mỗi lần thái. Mỗi lần thái xong, không ai cẩn thận đi rửa sạch thớt rồi thái cho người khác cả. Việc nhìn thấy phản, thớt sạch sẽ cũng chỉ tương đối theo mắt thường mà thôi", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.

Ông Thịnh cũng cho biết thêm, nhiều người bán hàng sử dụng miếng vải che đậy thịt tạo cảm giác yên tâm cho người mua hàng, từ đó dẫn đến việc thái thịt ra xong mang về chế biến ngay mà không cần rửa sạch. Theo ông, miếng vải che thịt đó có thể để từ ngày này sang ngày khác, giặt đi rồi đậy lại, lộn mặt vải này úp xuống thịt và ngược lại... cũng chỉ là tạo cảm giác sạch sẽ hơn cho mắt nhìn mà thôi. Thậm chí, tấm vải đó sau khi bán thịt xong còn đem ra thấm cả cái bàn… thì bẩn vô cùng mà ta không lường trước được.

3. Mua thịt nấu chín ngoài chợ

Thói quen mua thịt tại chợ này được nhiều chị em bận rộn với bếp núc ưa chuộng. Theo PGS.TS Thịnh, đã là thực phẩm nấu chín thì cũng đảm bảo một phần nào đó trong vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào cách chế biến của cửa hàng đó có đảm bảo vệ sinh hay không, người làm ra món ăn đó có vệ sinh sạch sẽ tay chân trước khi làm không, có trang bị quần áo, tạp dề khi chế biến không… Và đôi khi, chúng ta vẫn thường nghe nói về việc đi ăn ngoài hàng rằng hãy "khuất mắt trông coi" chính là vì thế.

Những thói quen sai lầm của các bà nội trợ khi mua thịt: Tưởng không sao mà rước bệnh đầy người - 3

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, dù là sử dụng thịt như thế nào thì bạn cũng cần đảm bảo từng khâu trong chuỗi khâu vệ sinh thực phẩm. Việc đảm bảo này không chỉ từ người bán thịt mà còn từ bản thân những người đi mua hàng. Tiêu chí trước khi nuốt bất cứ loại thực phẩm nào vào miệng cũng cần cân nhắc đã được rửa sạch trước khi chế biến chưa, đã chế biến đúng cách chưa, sau đó là tay có sạch không, bát có sạch không… để tránh lây nhiễm vi khuẩn, gây nên nhiều bệnh tật, trong đó rõ nhất là những bệnh đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, về lâu dài có thể mắc bệnh mãn tính như ung thư.

Nguyên tắc đơn giản nhất mà bất cứ bà nội trợ nào cũng cần ghi nhớ là "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm". Tất cả mọi cái cần phải sạch. Mặc dù vậy, chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng. Trong các khâu đều có khâu diệt trùng, ví dụ như thịt thái sẵn đem về luộc, rán thì khâu luộc, rán kia cũng đã có khả năng diệt trùng nhất định.

Bảo quản, giữ gìn sau khi nấu chín thực phẩm cũng quan trọng không kém. Nấu chín đúng kỹ thuật thì bạn có thể yên tâm, chỉ là sau khi nấu không bảo quản đúng cách thì không còn cách chữa. Đây cũng là những lời nhắn nhủ tối quan trọng trong vệ sinh an toàn thực phẩm mà vị phó giáo sư này muốn nói đến tất cả mọi người.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/nhung-thoi-quen-sai-lam-cua-cac-ba-noi-tro-khi-mua-thit-tuong-khong-sao-ma-se-ruoc-benh-day-nguoi-d162895.html