Kinh tế

Giá xăng 'quay đầu' tăng trở lại ngay sau Tết nguyên đán

Theo xu hướng thế giới, giá xăng trong nước tiếp tục tăng trong kì điều chỉnh mới chiều 15/2.

Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào chiều nay (15/2).

Cụ thể, cơ quan quản lý quyết định tăng 711 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, lên 22.831 đồng/lít; tăng 657 đồng/lít đối với xăng RON 95, lên 23. 919 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel tăng 654 đồng/lít, lên 21.361 đồng/lít; dầu hỏa tăng 633 đồng/lít, lên 21.221 đồng/lít; dầu mazut tăng 308 đồng/kg, lên 15.906 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng chỉ sau một phiên giảm. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá nhiên liệu này đã có 5 lần tăng và 2 lần giảm.

Giá xăng 'quay đầu' tăng trở lại ngay sau Tết nguyên đán
Giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh chiều 15/2. Ảnh: PVOil - Đơn vị: VNĐ/lít

Tại kỳ điều hành này, liên bộ chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Cơ quan quản lý không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả loại xăng dầu còn lại.

Hiện dư địa Quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây cơ quan điều hành ít sử dụng tới quỹ. Trong đó, tính đến ngày 8/2, Petrolimex ghi nhận mức dương quỹ 3.062 tỷ đồng; PV Oil âm quỹ 144 tỷ đồng; Saigon Petro dương 327 tỷ đồng; Petimex dương 446 tỷ đồng...

Trước đó, hồi cuối tháng 1, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu.

Động thái của cơ quan quản lý ngành diễn ra sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về xăng dầu với hàng loạt sai phạm. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu thương nhân đầu mối phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng; kho tiếp nhận xăng dầu; phương tiện vận tải xăng dầu.

Theo đó, thương nhân đầu mối sẽ phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng (sở hữu, thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu); kho tiếp nhận xăng dầu (số lượng, sở hữu, thuê của doanh nghiệp nào, ở đâu, thời gian thuê); phương tiện vận tải xăng dầu (số lượng, sở hữu, thuê, chủng loại phương tiện, thời gian thuê).

Thương nhân đầu mối cũng phải báo cáo cụ thể về hệ thống phân phối xăng dầu, trong đó có liệt kê cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê (từ 5 năm trở lên), đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, thương nhân phân phối phải báo cáo hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân với các thông tin cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê, cửa hàng trực thuộc đại lý bán lẻ xăng dầu, cửa hàng trực thuộc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu…

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/gia-xang-quay-dau-tang-tro-lai-ngay-sau-tet-nguyen-dan-d207992.html