Kinh tế

Sau pha 'trở mặt' vì không được giảm tiền thuê mặt bằng, Thế Giới Di Động đã đòi được tiền?

Một chủ nhà cho biết vừa hoàn tất xong các thủ tục thanh lý hợp đồng cho thuê mặt bằng trước thời hạn đối với Thế Giới Di Động.

Theo thông tin mới nhất, ông Trần Kỷ Mùi (trú tại An Nhơn, Bình Định) - chủ nhà cho Thế Giới Di Động thuê mặt bằng tại địa chỉ 160A Trần Phú, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã hoàn tất xong các thủ tục thanh lý hợp đồng cho thuê mặt bằng trước thời hạn đối với Thế Giới Di Động (TGDĐ).

Trên trang cá nhân ông Mùi bày tỏ: "Mừng quá cả nhà ạ. Em đã làm xong thủ tục để Thế Giới Di Động dọn ra khỏi nhà trước 15/11 rồi ạ. Chấp nhận mất tiền, chấp nhận những điều phi lý bên đó đặt ra để họ dọn đi nhanh.

Nếu đi kiện mình chắc chắn sẽ thắng nhưng mất rất nhiều thời gian công sức. Tối nay được ngủ ngon giấc chứ không còn ác mộng bên đó đòi giảm 70% hay 100% tiền nhà nữa ạ.

Qua đây mình cũng nhắn nhủ anh chị em trong cả nước có ý định cho thuê hoặc đang đàm phán cho bên này thuê nên từ bỏ ngay chứ như em lại khổ.

Nhà em mới xây dựng đẹp đẽ khang trang, cho TGDĐ thuê giờ lấy lại không khác một đống hoang tàn, họ đập bỏ cầu thang kiên cố, đập bỏ toilet, cắt tường nhà, cắt ống nước sạch, nước thải toilet trên lầu xuống, hệ thống điện cũng không còn một dây, họ cắt dầm, hạ cốt nền nhà, nói chung không còn gì dể diễn tả được...".

Theo hợp đồng thanh lý do Thế Giới Di Động soạn thảo, chủ nhà phải trả lại bên thuê số tiền 12,5 triệu đồng. "Tôi đã chuyển khoản lại đủ số tiền nêu trên. Nếu đi kiện tôi chắc chắn sẽ thắng nhưng mất rất nhiều thời gian công sức", ông Mùi thông tin.

Sau pha 'trở mặt' vì không được giảm tiền thuê mặt bằng, Thế Giới Di Động đã đòi được tiền?
Bài đăng trên trang cá nhân của ông Trần Kỷ Mùi.

Trước đó, như đã đưa tin, văn bản của Thế giới Di động gửi cho chủ nhà là ông Trần Kỷ Mùi về việc giảm tiền thuê mặt bằng tại Bình Định dù chưa được sự chấp thuận nhưng phía Thế giới Di động đã tự ý giảm 70% tiền thuê mặt bằng với lý do "bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch".

Hợp đồng cho thuê mặt bằng của ông Mùi với Thế giới Di động kéo dài 8 năm, từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2028. Việc thanh toán được tiến hành 3 tháng/lần. Tuy nhiên, trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4, ông Mùi cho biết Thế giới Di động đã gửi thông báo giảm số tiền thanh toán xuống 70% - 100% trong kỳ gần nhất.

Trong các tháng 7, 8, 9, thay vì nhận được khoản tiền thuê mặt bằng ở mức 75 triệu đồng, ông Mùi nhận được thông báo và số tiền chuyển khoản chỉ còn hơn 24,1 triệu đồng, tức không bằng tiền thuê mặt bằng 1 tháng cho 3 tháng nói trên.

Do phía ông Mùi không chấp thuận nên ngày 8/10, Thế giới Di động đã ra văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng trước thời hạn vào ngày 15/10.

Thế Giới Di Động cũng cho biết "mong đối tác ủng hộ, tạo điều kiện về việc bàn giao, chấm dứt đúng quy định tại hợp đồng". Ngay sau khi nhận được công văn, ông Mùi cho biết cảm thấy "mệt mỏi" và sẵn sàng "chấp nhận thua thiệt" để họ trả mặt bằng, dọn đi càng sớm càng tốt.

Theo đó, vào ngày 18/10, ông Mùi cho biết đã đi tiến hành hủy hợp đồng với bên Thế giới Di động. Tuy nhiên, bên thuê là Thế giới Di động đã đóng tiền thuê cho ông Mùi đến hết ngày 30/11/2021 (trong kỳ thanh toán từ tháng 9 đến tháng 11/2021). Do hợp đồng thanh lý sẽ thực hiện từ ngày 15/11 nên bên ông Mùi sẽ phải trả lại cho bên thuê số tiền 15 ngày còn lại là 12,5 triệu đồng.

Sau pha 'trở mặt' vì không được giảm tiền thuê mặt bằng, Thế Giới Di Động đã đòi được tiền? - 1
Chủ nhà cho biết chấp nhận mất tiền, miễn sao đòi lại được mặt bằng càng sớm càng tốt (Ảnh: FBNV).

Bàn về vấn đề này, Luật sư Lê Thị Minh Thu – đại diện Công ty luật Phuoc & Partner nhận định, để chứng minh ‘đại dịch Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng’ là không dễ. Và ngay cả khi, TGDĐ thành công chứng minh được, thì họ cũng không được phép đơn phương quyết định giảm tiền thuê mặt bằng.

Luật sư Lê Thị Minh Thu nhận định: Covid-19 và ảnh hưởng của dịch bệnh này đến nền kinh tế toàn thế giới là điều mà không một hệ thống pháp luật của quốc gia nào có thể nhìn thấy và dự liệu trước được.

Trong vụ việc của TGDĐ, có thể thấy TGDĐ vận dụng điều khoản vì lý do bất khả kháng, tuy nhiên điều khoản về bất khả kháng hiện nay không được đề cập minh thị rằng: Dịch bệnh có phải là một trong những sự kiện bất khả kháng hay không.

Tương tự Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng bên thuê viện lý do dịch bệnh để không thực hiện đúng thỏa thuận thì trong hợp đồng thuê nhà các bên phải có thỏa thuận về việc này.

Hơn nữa, thời gian kéo dài bất khả kháng không phải là theo ý chí, quan điểm của một bên đưa ra, mà phải theo mức độ, thông báo, công bố của Nhà nước về tình hình dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh khác nhau ở mỗi địa phương nên không thể lấy tình hình dịch bệnh là lý do bất khả kháng chung trên phạm vi cả nước.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nhiều chủ nhà bức xúc khi Thế Giới Di Động tự ý gửi công văn giảm tiền thuê mặt bằng cho đối tác và tự chuyển tiền vào tài khoản người cho thuê khi chưa thống nhất thỏa thuận giữa hai bên.

Ông Tuấn cho rằng hợp đồng thuê mặt bằng là một dạng của hợp đồng thuê tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, được hiểu là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cho thuê và bên thuê. Theo đó bên cho thuê có nghĩa vụ giao mặt bằng cho bên thuê, bên thuê có nghĩa vụ trả tiền thuê.

Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/sau-pha-tro-mat-vi-khong-duoc-giam-tien-thue-mat-bang-the-gioi-di-dong-da-doi-duoc-tien-16121201010354616.htm