Lối Sống

Thịt luộc chín nhưng bên trong có màu đỏ do chứa chất độc hại cho cơ thể?

Miếng thịt luộc chín mà vẫn giữ nguyên màu đỏ có phải do nó chứa chất độc hại cho cơ thể?

Thời gian gần đây, người dân tại Khu Đô thị Thanh Hà (Hà Nội) hết sức hoang mang lo lắng, sống trong cảnh thấp thỏm vì nghi ngờ nguồn nước bẩn. Một số người dân đã chia sẻ với nhau hiện tượng luộc thịt trong thời gian rất dài nhưng thịt vẫn có màu hồng như thịt sống là do nước nhiễm amoni hoặc nitrit quá cao.

Trước đó, nhiều người nội trợ cũng chia sẻ trên mạng xã hội về hiện tượng “lạ” của miếng thịt họ vừa mua. Thái miếng thịt luộc chín thấy bên trong nó có màu đỏ, nên nghĩ rằng đây là miếng thịt còn tồn dư chất tạo nạc, hoá chất trong thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, miếng thịt luộc chín thái ra vẫn đỏ hay hồng là bình thường. "Không có chuyện màu sắc của miếng thịt khẳng định sự tồn dư các chất sử dụng trong chăn nuôi ", ông nói.

Thịt luộc chín có màu đỏ bên trong do liên quan tới chất globin có ở thịt nạc. Một miếng thịt màu đỏ, hồng, tái hoặc xám thường có nguyên nhân từ cách luộc thịt.

Thịt luộc chín nhưng bên trong có màu đỏ do chứa chất độc hại cho cơ thể?
Thịt luộc bên trong có màu đỏ do chứa chất độc hại cho cơ thể? (Ảnh minh họa)

Nếu luộc thịt bằng nước lạnh cho tới khi sôi và chín, miếng thịt sẽ được chín từ từ, không có hiện tượng globin di chuyển vào trung tâm miếng thịt. Khi đó cắt miếng thịt sẽ có màu tái như nhau.

Khi luộc thịt bằng nước đã nấu sôi thịt sẽ chín ở bền mặt thịt ngay. Điều này dẫn đến hiện tượng globin có xu hướng chuyển dịch từ bên ngoài miếng thịt vào trung tâm của miếng thịt.

“Miếng thịt đó càng dày, globin sẽ đọng càng nhiều ở trung tâm của miếng thịt. Cắt miếng thịt ra bên ngoài sẽ có màu tái còn bên trong màu hồng hoặc đỏ”, PGS Thịnh lý giải.

Theo vị chuyên gia, nhiều người bán hàng đã dùng cách này để luộc thịt gà, luộc giò tạo ra màu đẹp mắt. Đây là hiện tượng bình thường của thịt khi đưa vào môi trường nóng đột ngột.

Cách rửa thịt đúng cách:

Rửa thịt bằng nước vo gạo: Bạn hãy chuẩn bị một chậu nước vô gạo rồi thả thịt vào đó để rửa và ngâm trong nước vo gạo khoảng 5 phút để tinh bột trong nước vo gạo hút hết chất bẩn có trên bề mặt thịt.

Trong thành phần của nước vo gạo có nhiều dinh dưỡng giúp cho thịt lợn tẩy đi chất bẩn và cũng làm cho bề mặt thịt sạch lớp mỡ dư thừa giúp cho thịt ngon hơn.

Rửa thịt bằng nước muối loãng: Muốn thịt loại bỏ hết chất bẩn và vi khuẩn gây bệnh các bà nội trợ nên hòa một chút muối vào nước trước khi rửa thịt và để riêng đồ ăn sống rửa riêng như rau sống, hoa wuar tươi khiến cho chất bẩn được loại sạch khỏi thực phẩm.

Khi luộc thịt, nếu bọt nổi lên thì mọi người nên vớt bỏ váng bọt đó để nước trong. Trong váng bọt đó cũng có thể chứa một phần chất bẩn, nếu ăn sẽ không tốt cho sức khoẻ.

Rất khó phân biệt thịt bẩn và thịt sạch bằng mắt thường. Khi luộc thịt, nếu nước có màu lạ, mùi lạ thì khả năng cao trong miếng thịt đó tồn dư các chất không tốt cho sức khỏe.

Thùy Dương (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/thit-luoc-chin-nhung-ben-trong-co-mau-do-do-chua-chat-doc-hai-cho-co-the-d193410.html