Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Chiến lược đối phó của Nga sau khi Ukraine chọc thủng phòng tuyến phía Nam

Nga đã tung ra chiến lược mới đối phó Ukraine sau khi Kiev tuyên bố chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga ở phía Nam và kiểm soát nhiều khu vực quan trọng. 

Một bước ngoặt quan trọng đã diễn ra trong cuộc phản công kéo dài nhiều tháng của Ukraine. Sau nhiều tuần giao tranh ác liệt, các lực lượng Ukraine tuyên bố đã chọ thủng tuyến phòng thủ phía Nam ở khu vực Zaporizhia, giành quyền kiểm soát nhiều thị trấn.

Chiến lược đối phó của Nga sau khi Ukraine chọc thủng phòng tuyến phía Nam
Binh sỹ Ukraine khai hỏa hệ thống rocket về phía Nga tại  Zaporizhia. Nguồn: Reuters

Ukraine chọc thủng phòng tuyến phía Nam

Cuộc phản công ở phía Nam chỉ là một phần trong nỗ lực đáng kể của Ukraine dọc theo chiến tuyến rộng lớn, trải dài từ khu vực Vasilivka ở Zaporizhia đến thành phố Donetsk ở phía Đông, qua Bakhmut tới các vùng ngoại ô của Kupiansk ở phía đông bắc Ukraine. Trước đó, bước tiến của Ukraine ở phía Nam đã bị đình trệ đáng kể khi các binh sỹ nước này phải băng qua một vùng đất có nhiều “mê cung” gồm các chiến hào và cứ điểm được phòng thủ kiên cố của Nga. Mọi chuyển động của họ có thể dễ dàng bị máy bay không người lái giám sát trên chiến trường phát hiện.

Kể từ khi phát động cuộc phản công, Ukraine đã nỗ lực tìm mọi cách để chọc thủng các tuyến phòng thủ vững chãi này. Thương vong của cả hai phía đều cao, nhưng Kiev được cho là sẽ chịu nhiều tổn thất hơn nếu các binh sỹ nước này bất chấp rủi ro xông thẳng vào phòng tuyến đối phương.

Quan chức quốc phòng Ukraine cho biết đã chọc thủng thành công tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga ở phía Nam. Kiev đã giành quyền kiểm soát làng Robotyne ở Zaporizhia và ngôi làng tiếp theo Novoprokopivka cũng nằm trong tầm ngắm. Bên cạnh đó, Ukraine cũng coi Tokmak là mục tiêu chiến lược của nước này.

Vai trò của Tokmak

Tomak là nút giao thông đường sắt quan trọng và là chìa khóa để Ukraine có thể chiếm thành phố Melitopol ở cửa ngõ vào Bán đảo Crimea. Tomak là trung tâm hậu cần cho lực lượng Nga với một tuyến đường sắt chạy qua nhằm tiến hành hoạt động tiếp tế và đặt các kho nhiên liệu cũng như đạn dược, cách tiền tuyến chưa đầy 20km và có một tuyến phòng thủ riêng bao quanh. Các con đường tiếp cận thị trấn này đều được canh phòng nghiêm ngặt.

Các cơ sở hậu cần của Nga đều phụ thuộc nhiều hệ thống đường sắt, nhưng mạng lưới này ngày càng bị Ukraine tấn công nhiều hơn bằng pháo binh, hệ thống tên lửa HIMARS và tên lửa hành trình Storm Shadow.

Nhận thức được tầm quan trọng của Tokmak, Nga đã tăng cường đáng kể lực lượng tại đây và khu vực xung quanh. Nếu Ukraine có thể bao vây và cô lập thị trấn này, họ có khả năng phá hủy các mục tiêu xung quanh Melitopol và gây sức ép đối với quân đội Nga tại Melitopol cung như đe dọa các lực lượng đối phương đang trấn thủ gần bờ sông Dnipro. Trước đó, Ukraine cũng tăng cường tấn công các cây cầu và hệ thống đường sắt của Nga ở Crimea.

Trận chiến tại Rabotino

Làng Rabotino ở Zaporizhzhia nằm cách thành phố Berdyansk, có cảng hướng ra biển Azov, khoảng 100 km và thành phố chiến lược Melitopol khoảng 85 km. Theo thời gian, Lực lượng vũ trang Ukraine ngày càng triển khai nhiều đơn vị mới vào trận chiến giành Rabotino.

Ban đầu cuộc phản công tại khu vực này do Lữ đoàn cơ giới số 46 và Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine thực hiện, sau đó Kiev tiếp tục triển khai các Lữ đoàn cơ giới số 116, 117 và 118, lực lượng Vệ binh Quốc gia. Đến giữa tháng 8, Ukraine đã tung con “át chủ bài” là Lữ đoàn tấn công đường không số 82, được trang bị xe chiến đấu bọc thép Stryker của Mỹ, xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức và xe tăng Challenger của Anh.

Đầu tiên Ukraine có ý định triển khai Lữ đoàn 82 vào chiến đấu sau khi các lực lượng khác chọc thủng phòng tuyến của Nga. Nhưng thất bại của Kiev đã khiến lữ đoàn này phải triển khai sớm hơn so với sự kiến và chịu tổn thất lớn. Tuy vậy, quân đội Ukraine vẫn tiếp cận được Rabotino và gây ra mối đe dọa đối với 2 bên sườn của Nga.

Dù mặt trận phía Nam được coi là mặt trận quan trọng nhất đối với Ukraine, nhưng các lực lượng nước này vẫn khiến Nga phải đoán định xem cuộc tấn công quyết định sẽ bắt đầu từ đâu. Ở phía Đông, các đơn vị của Kiev đang tận dụng mọi cơ hội để giành quyền kiểm soát Bakhmut. Ngoài ra, Ukraine cũng gây áp lực từ hai phía đối với thành phố Donetsk, trụ cột của mặt trận phía Nam và phía Đông, trong khi cố gắng tiến xa hơn về phía Tây.

Chiến lược đối phó của Nga

Nga cũng thực hiện chiến lược riêng để đối phó với cuộc phản công của Ukraine. Quân đội nước này đã tập trung hơn 100.000 binh sỹ ở phía sau chiến tuyến ở phía đông bắc, đối diện khu vực Kupiansk thuộc vùng Kharkov. Đến thời điểm hiện tại, cuộc tấn công của Nga chỉ diễn ra từng đợt nhưng buộc Ukraine phải duy trì lực lượng lớn ở đông bắc trong khi các nơi khác đang thiếu nhân lực.

Khi chuẩn bị cho việc bảo vệ hành lang đất liền tới Crimea, các chỉ huy Nga đã gia cố tuyến phóng thủ tại những địa điểm dự kiến sẽ diễn ra các cuộc giao tranh lớn, đồng thời điều động một lượng lớn binh sỹ về hướng Kupyansk và Krasny Liman.

Nga cũng thực hiện một số cuộc tấn công mồi nhử ở hướng Borovaya và Kupyansk vào tháng 7 và tháng 8 trong năm nay, chiếm vài chục km2, buộc Ukraine phải chuyển lực lượng dự bị sang hướng này và đánh lạc hướng Tư lệnh Lục quân Ukraine, Tướng Alexander Syrsky khỏi trận chiến gần Bakhmut.

Khi Moscow cố gắng dàn mỏng lực lượng đối phương, nước đồng minh Belarus cũng có những động thái quân sự đáng chú ý ngay sát sườn Ukraine, buộc bộ chỉ huy cấp cao của Ukraine phải tính đến khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ Belarus. Những tính toán trên đã gia tăng sức ép với quân đội Ukraine, làm cạn kiệt thêm nguồn dự trữ và nguồn cung cấp của nước này.

Mùa Hè tại Ukraine sắp kết thúc. Dự kiến trong khoảng 1 đến 2 tháng tới những cơn mưa sẽ biến các thảo nguyên thành những vũng bùn khổng lồ, đặc biệt nguy hiểm đối với xe bọc thép hạng nặng mà NATO cung cấp cho Ukraine.

Cả Nga và Ukraine được cho là đã hao tổn lực lượng đáng kể sau những trận chiến trong mùa Hè. Khi điều kiện thời tiết trở nên bất lợi hơn, rất có thể các bên sẽ tập trung vào nỗ lực khôi phục lại lực lượng và chuẩn bị cho các trận đánh trong tương lai. Trong thời gian này, Ukraine có khả năng cố gắng thuyết phục phương Tây tài trợ máy bay, ưu tiên trang bị cho các lữ đoàn cơ giới hóa nhằm chuẩn bị cho đợt phản công tiếp theo.

Còn Nga có thể tiếp tục bố trí phòng thủ tiến hành đợt tấn công mới nhằm cải thiện vị trí chiến thuật hoặc có thể chuyển trọng tâm sang hướng Artemovsk hoặc Kupyansk. Moscow hiện đang nỗ lực đẩy mạnh ngành công nghiệp quân sự để tiếp tục cung cấp cho quân đội đạn pháo, xe bọc thép và tên lửa tầm xa trong mùa thu và mùa đông năm nay.

Theo Hồng Anh (Vov.vn)

 




https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chien-luoc-doi-pho-cua-nga-sau-khi-ukraine-choc-thung-phong-tuyen-phia-nam-post1043159.vov