Thế giới

Hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc rời Mỹ giữa bê bối gián điệp

Các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ hôm 3/12 cho biết trên 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã rời Mỹ trong bối cảnh nước này nỗ lực trấn áp các trường hợp đánh cắp công nghệ.

Hãng tin Reuters ngày 3/12 dẫn lời ông John Demers, Giám đốc Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã rời Mỹ khi cơ quan này mở nhiều vụ án hình sự nhằm vào các đặc vụ Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp công nghệ Mỹ.

Ông Demers đưa ra tuyên bố trên tại hội nghị về an ninh mạng tại Viện Aspen (Mỹ) hôm 2/12 (giờ địa phương).

"Chỉ người Trung Quốc mới có đủ nguồn lực, khả năng và ý chí để tham gia hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài mà các cơ quan Mỹ đã phát hiện trong những năm gần đây", ông Demers phát biểu.

Hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc rời Mỹ giữa bê bối gián điệp
Ông John Demers, Giám đốc Bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ. Ảnh: Reuters

Một quan chức khác của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các nhà nghiên cứu mà ông Demers nhắc đến đã rời Mỹ sau khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thực hiện các cuộc thẩm vấn tại hơn 20 thành phố.

Quan chức trên cho biết thêm rằng đây là nhóm khác với những người được Bộ Ngoại giao nhắc đến vào tháng 9. Lúc đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thu hồi thị thực của hơn 1.000 du học sinh và nhà nghiên cứu Trung Quốc bị coi là nguy cơ đối với an ninh Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc đã gọi hành động hủy thị thực của các nhà khoa học vào đầu năm nay là hành động đàn áp chính trị trắng trợn và phân biệt chủng tộc, vi phạm nghiêm trọng vấn đề nhân quyền.

Cũng tại hội nghị ở Viện Aspen, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia Mỹ William Evanina cho biết thêm các đặc vụ Trung Quốc thậm chí nhắm vào các thành viên của chính phủ Tổng thống tân cử Joe Biden cũng như cả “những người thân cận” với ông Biden.

Thùy Dương (Nguoiduatin.vn)