Thế giới

Lisa Tseng - ác quỷ trong chiếc blouse

Khi bác sĩ Hsiu Ying Lisa Tseng, chủ phòng khám Advance Care AAA Medical ở Los Angeles, bang California, Mỹ bị Cục Phòng chống ma túy (DEA) bắt giam với các tội danh cố ý giết người, vi phạm các nguyên tắc về kê đơn thuốc, bán ma túy, cố ý làm sai lệch hồ sơ điều trị bệnh nhân...

Những cái chết vì “thuốc giảm đau”

Trong hơn 2 tiếng trao đổi với các đặc vụ DEA, bà Kelle, mẹ của Matthew Stavron đã nhiều lần phải ngừng lại để lau nước mắt. Bà nói: “Lúc mới 13 tuổi, con tôi đã mơ ước trở thành vận động viên đua mô tô chuyên nghiệp nhưng chỉ 6 tháng sau khi mua chiếc xe đầu tiên, nó đã bị tai nạn chấn thương cổ tay rồi suốt 1 năm, nó phải nghỉ học để điều trị”.

18 tuổi, cơn đau vẫn dai dẳng hành hạ Matthew dù anh đã trải qua nhiều đợt chạy chữa bằng thuốc và vật lý trị liệu. Bà Kelle nói tiếp: “Năm 24 tuổi, lúc vừa tốt nghiệp đại học, một hôm nó nói với tôi rằng nó được bạn bè giới thiệu với bác sĩ Tseng. Chẳng cần phải chụp X quang, làm xét nghiệm, bác sĩ Tseng sau khi hỏi qua về tình trạng của nó, bà ấy đã viết cho nó một đơn thuốc rồi kể từ đó, nó hết đau hoàn toàn”.

Lisa Tseng - ác quỷ trong chiếc blouse
Tseng lúc nghe tòa tuyên phạt 30 năm tù giam không ân xá.

Ngày 16/9/2007, đã 9 giờ sáng mà Matthew vẫn chưa đi làm, bà Kelle vào phòng con trai nhưng không thấy anh còn cửa buồng tắm thì khóa. Lúc mở được cửa, trước mắt bà Kelle, con trai bà nằm co quắp trên sàn, lay gọi không trả lời, xung quanh vương vãi mấy viên thuốc. Hốt hoảng, bà bấm số điện thoại cấp cứu 911.

Hơn nửa tiếng sau, 4 nhân viên 911 xuất hiện. Qua thăm khám sơ bộ, họ cho bà biết Matthew đã chết trước đó khoảng 3 giờ đồng hồ. Kết quả phân tích những viên thuốc cho thấy nó gồm 3 loại là Oxycontin, Soma và Xanax, tất cả đều là chế phẩm của heroin và cocain, có tác dụng giảm đau cực mạnh nhưng việc sử dụng nó phải có sự chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc chấn thương.

Nhưng Matthew không phải là nạn nhân duy nhất của bác sĩ Tseng. Joseph John Rovero (Joey), sinh viên năm cuối Đại học Arizona, qua đời ngày 18/12/2009 sau khi sử dụng Xanax và Oxycontin. Mẹ của Joey, bà April Rovero cho biết 9 ngày trước khi qua đời, anh đến gặp bác sĩ Tseng vì đau vùng cột sống thắt lưng sau nhiều năm chơi bóng rổ. Joey được bác sĩ Tseng kê đơn gồm 90 viên Oxycontin, 30 viên Xanax. Kết quả xét nghiệm của DEA cho thấy trước khi chết, Joey đã uống 1,5 viên Coxycontin và 1 viên Xanax.

Cũng chung số phận như Matthew, Rovero, còn có một thanh niên người Mỹ gốc Việt là Vu Nguyen, 29 tuổi, ở Lake Forest. Sau khi đến gặp bác sĩ Tseng do bị tê mỏi vì công việc buộc anh phải ngồi từ 9 đến 12 tiếng mỗi ngày, Vu được Tseng kê đơn với 60 viên Oxycontin, 30 viên Xanax và 30 viên Soma. Theo gia đình Vu, anh chết ngay khi mới chỉ uống liều đầu tiên với 1,5 viên Oxycontin, 1 viên Soma và 1 viên Xanax. Tương tự như vậy, Steven Ogle, 25 tuổi ở Palm Desert, California, chết ngày 9/12/2009 cũng vì 3 loại thuốc nói trên và cũng do bác sĩ Tseng chỉ định điều trị.

Trước 4 cái chết bất thường này, Sở Cảnh sát Los Angeles chuyển hồ sơ cho DEA, đề nghị hỗ trợ điều tra vì tất cả đều liên quan đến ma túy. Ông Howard Lynn, người trực tiếp thụ lý vụ việc cho biết đây là vấn đề khá phức tạp bởi lẽ các bác sĩ chuyên khoa ung thư, chấn thương chỉnh hình có quyền kê đơn mua các loại thuốc chế phẩm từ heroin hoặc cocain. Ông nói: “Trường hợp bệnh nhân tử vong vì uống quá liều, uống sai chỉ định của bác sĩ thì đương nhiên bác sĩ kê đơn vô tội. Vì thế chúng tôi rất thận trọng và cân nhắc khi tiến hành xem xét bà Tseng”.

Lisa Tseng - ác quỷ trong chiếc blouse - 1
Bà April Rovero và di ảnh của Joey, con trai bà trước tòa.

Liều mạng vì tiền

Tháng 4/2010, DEA chính thức bắt tay vào việc điều tra bác sĩ Tseng. Kết quả xác minh cho thấy bà Tseng đã tốt nghiệp Đại học Y khoa Michigan chuyên ngành chỉnh hình xương và được cấp phép hành nghề năm 1997. Năm 2005, Tseng mở phòng khám Advanced Care AAA Medical tại một trung tâm mua sắm trên đại lộ Fullerton, quận Rowland Heights, Los Angeles. Với ngành học như vậy, bác sĩ Tseng chỉ được phép nắn một số loại xương gãy như xương bàn tay, cánh tay, cẳng tay, xương ống chân, bàn chân vào đúng vị trí để bó bột đồng thời bà cũng được phép kê đơn một số loại thuốc giảm đau không có nguồn gốc từ chế phẩm ma túy. Việc tìm hiểu tại 600 hiệu thuốc ở Los Angeles cũng cho thấy 2/3 các hiệu thuốc này đã nhiều lần bán Oxycontin, Soma và Xanax cho khách hàng theo đơn của bác sĩ Tseng.

Ông John Niedermann, Phó trưởng phòng công tố quận Los Angeles nói: “Các dược sĩ trực tiếp quản lý hiệu thuốc đều cho biết họ rất ngạc nhiên khi bác sĩ Tseng ký đơn thuốc Oxycontin, Soma và Xanax với số lượng rất lớn trong lúc đa phần người mua đều là người khỏe mạnh nhưng họ lại chẳng tìm hiểu rằng bà Tseng có quyền kê đơn ấy hay không”. Chưa hết, báo cáo của các bệnh viện ở Los Angeles gửi DEA cho thấy từ năm 2005 đến 2009, có 16 người chết do dùng quá liều 3 loại chế phẩm ma túy nêu trên nhưng theo ông Howard Lynn, DEA rất khó xác minh 16 trường hợp này vì không thể biết được rằng họ chết vì tự ý sử dụng quá liều hay vì bà Tseng chỉ định cho họ phải dùng liều cao như vậy.

Tháng 9/2010, suốt 6 tháng, trong vai bệnh nhân mắc các bệnh về cơ xương khớp, 6 đặc vụ DEA lần lượt đến phòng khám của bác sĩ Tseng. Bản tường trình của họ cho thấy “giá mỗi lần khám là 100 USD bằng tiền mặt nhưng bác sĩ Tseng không bao giờ yêu cầu người bệnh phải chụp X quang, chụp CT, MRI, đo độ loãng xương, siêu âm hay xét nghiệm mà chỉ hỏi qua loa rồi viết đơn thuốc”. Tất cả 36 đơn thuốc của 6 đặc vụ đều là Oxycontin, Soma và Xanax với số lượng lần lượt theo thứ tự 60 viên, 30 viên và 30 viên. Tiến sĩ McCommick, chuyên gia độc chất học của DEA nhận xét: “Có thể thấy rõ là bác sĩ Tseng cố tình gây nghiện cho bệnh nhân. Nếu họ không chết vì dùng quá liều thì họ sẽ phải thường xuyên quay lại phòng khám của bà ấy để được kê đơn mua thuốc. Đây là hành vi tàn ác nhất mà tôi đã từng thấy sau hơn 30 năm làm việc ở DEA”.

Ngày 1/3/2012, phối hợp với cảnh sát Los Angeles, DEA tiến hành khám xét Advance Care AAA Medical của bác sĩ Tseng. Kết quả sau khi phục hồi dữ liệu đã bị xóa trong máy tính của bà Tseng, DEA thu được hơn 3.000 hồ sơ bệnh án, trong đó 16 hồ sơ được bà Tseng tự tay ghi chú là “đã chết” cùng hơn 27.000 bản sao đơn thuốc. Bên cạnh đó, số liệu tài chính cho thấy trung bình mỗi ngày, bác sĩ Tseng khám cho 25 bệnh nhân, kiếm được 3.000 USD tiền mặt nhưng không khai thuế còn trong hồ sơ tín dụng, số dư tài khoản của Tseng là 6,6 triệu USD. Đặc vụ Mark Nomady nói: “Thật kỳ lạ khi một phòng khám lại có thể kiếm được nhiều tiền như vậy chỉ bằng việc kê đơn mua thuốc giảm đau. Theo tôi, rõ ràng là 3 loại chế phẩm từ ma túy mang lại lợi nhuận cho bà Tseng gấp hàng trăm lần so với việc khám bệnh theo đúng nghĩa của nó…”.

Lisa Tseng - ác quỷ trong chiếc blouse - 2
Phòng khám Advance Care AAA Medical của Tseng.

Chối được thì cứ chối!

Ngày 9/3, bác sĩ Tseng bị bắt. Điều đáng kinh ngạc là vào thời điểm bị bắt, bác sĩ Tseng đang liên kết với 14 bệnh viện ở khu vực Los Angeles. Hầu như tất cả 14 bệnh viện này đều đánh giá Tseng là “1 trong số 25 bác sĩ hàng đầu về giảm đau ở Los Angeles”. Đặc vụ Mark Nomady nói: “Một câu hỏi thú vị là tại sao Tseng lại liên kết được với 14 bệnh viện và bà ta đã làm gì để nhận được những đánh giá tích cực? Có bệnh viện nào trong số này từng tiến hành kiểm tra việc hành nghề của bà ấy hay không?”.

Trong quá trình hỏi cung, bác sĩ Tseng thừa nhận mình “không phải là bác sĩ chuyên khoa chấn thương và không có quyền kê đơn điều trị các loại thuốc là chế phẩm ma tuý” nhưng bà biện luận: “Oxycontin, Soma và Xanax là những loại thuốc đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép lưu hành trên thị trường chứ nó đâu phải là thuốc cấm”. Bên cạnh đó, bà còn nói thêm rằng “đại đa số bệnh nhân của tôi đều đã chấm dứt cơn đau sau khi sử dụng thuốc, còn những trường hợp tử vong là vì họ tự ý uống thuốc mà không tuân theo chỉ định”.

Theo ông Howard Lynn, đặc vụ DEA, có vẻ như bà Tseng lường trước cái ngày bà sẽ gặp rắc rối với pháp luật nên bà đã chuẩn bị sẵn những câu trả lời rất bài bản. Bà nói: “Nếu cho rằng tôi kê đơn bất hợp pháp thì tại sao suốt 7 năm với hàng chục nghìn đơn thuốc nhưng không một dược sĩ quản lý hiệu thuốc Tây nào lên tiếng phản ứng mà thay vào đó, họ vẫn cứ bán. Nếu kết tội tôi thì phải kết tội luôn cả họ”.

Vẫn theo ông Howard Lynn, phải đến giữa năm 2014, bác sĩ Tseng mới từng bước thừa nhận tội lỗi của mình nhưng thừa nhận theo kiểu nhỏ giọt, nghĩa là điều tra viên nắm được chứng cứ đến đâu thì bà nhận đến đó. Ông Howard Lynn nói: “Cuộc đấu trí giữa chúng tôi và bác sĩ Tseng rất căng thẳng. Trong một lần thẩm vấn, tôi đưa cho bà Tseng xem 9 đơn thuốc của một người tên là Robin, 24 tuổi rồi hỏi bà có nhớ bệnh nhân này không? Thoạt đầu bà ta trả lời “không” nhưng khi tôi nhắc bệnh nhân Robin chỉ đến phòng khám của bà 1 lần duy nhất, 8 lần sau đều do vợ anh ta đến nhưng bà không hề hỏi han về tình trạng của Robin mà chỉ viết đơn thuốc rồi lấy tiền thì bà ta im lặng!”.

Tương tự như vậy, khi được hỏi về 4 bệnh nhân đã chết là Matthew, Rovero, Vu Nguyen và Steven, bà Tseng đều cho rằng nguyên nhân do họ “dùng quá liều” nhưng bà cũng “giữ quyền im lặng” khi điều tra viên chất vấn: “Bà giải thích thế nào về 4 bệnh nhân nói trên đến phòng khám của bà, người ít nhất là 39 lần nhưng bà không hề cho chụp X quang, chụp cắt lớp, đo độ loãng xương, thử máu để đánh giá trình trạng chấn thương của họ mà bà chỉ kê đơn với 3 loại thuốc giống nhau, liều lượng cũng y như nhau?”.

Ngày 21/9/2015 bác sĩ Tseng ra tòa với cáo buộc gồm 20 tội danh. Tham dự phiên tòa có 108 nhân chứng là thân nhân của 4 người chết và những người còn sống nhưng nghiện Oxycontin, Soma và Xanax ở mức độ trầm trọng. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Mỹ khi luật sư Peter Osinoff, bào chữa cho Tseng chỉ nói được một câu duy nhất: “Từ ngày 9/3/2012, là ngày Tseng bị bắt, bà ấy không còn là mối nguy hiểm cho xã hội nên mong rằng bồi thẩm đoàn sẽ xem xét khi lượng hình”.

Ngày 18/12/2015, sau 3 giờ nghị án, bồi thẩm đoàn Tòa án Los Angeles tuyên phạt bác sĩ Tseng 30 năm tù giam không ân xá. Nói lời cuối cùng trước lúc tòa tuyên án, bà Tseng thú nhận “tôi vô cùng hối hận vì ngay cả khi biết về tình trạng sử dụng thuốc quá liều, tôi đã không kiểm tra lại việc kê đơn của mình để xem liệu chúng có đóng vai trò gì hay không vì tôi chưa từng được đào tạo bài bản về thuốc giảm đau, thuốc gây nghiện...”. Nhưng bên cạnh đó, bà còn cố tình thòng thêm một câu: “Tôi tin rằng việc sử dụng thuốc của bệnh nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Xảy ra chết người đâu phải do tôi cố ý…”.

Theo Vũ Cao (An Ninh Thế Giới)




https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/lisa-tseng-ac-quy-trong-chiec-blouse-i727515/