Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Lỗ hổng khiến Singapore 'vỡ trận' trước Covid-19

Shekor tới Singapore cách đây chừng 10 năm khi mới 17 tuổi, thuộc lực lượng lao động nhập cư tham gia xây dựng bệnh viện, hệ thống giao thong ngầm giúp nước này phát triển.

Trong những năm làm nghề sản xuất nhôm và xây dựng, thanh niên Bangladesh này đã nhiều lần gặp tai nạn lao động. Gần đây nhất, hôm 18/03, anh gặp tai nạn và bị đau hông trái. Đây cũng là ngày số ca nhiễm Covid-19 ở Singapore bắt đầu tăng cao, từ 313 ở thời điểm đó lên hơn 9.000 vào ngày 21/04, sau hai ngày tăng kỷ lục.

Hàng ngàn ca nhiễm mới - và khoảng 70% tổng số ca nhiễm ở Singapore tính đến thời điểm này - liên quan tới các khu ký túc xá dành cho lao động nhập cư, những người hiện đang bị cách ly tập trung tại nơi ở. Shekor nói biện pháp cách ly được áp dụng khiến anh không thể mua thuốc giảm đau để uống trước khi ngủ.

"Mọi thứ lúc này đều rất khó khăn với mọi người ở đây," anh nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tờ Washington Post, từ khu ký túc xã hơn 25.000 người, nơi đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm. "Dường như họ chỉ đưa những người bệnh nặng tới bệnh viện, với những người bình thường như chúng tôi không ai quan tâm cả."

Những người nhập cư ở Singapore, chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động ở nước này, được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm rất cao khi phải chen chúc sống trong những khu nhà chật hẹp, trải qua tình trạng thiếu dinh dưỡng, hạn chế trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe, thiếu trang thiết bị bảo hộ, thu nhập thấp và đôi lúc bị kỳ thị.

Lianhe Zaobao, tờ báo tiếng Trung khổ lớn nổi tiếng ở Singapore, mới đây cho đăng tải bài viết của một độc giả đổ lỗi cho người nhập cư về đợt bùng phát Covid-19, cho rằng quê hương của họ "lạc hậu" và lối sống của họ bẩn thỉu.

Lỗ hổng khiến Singapore 'vỡ trận' trước Covid-19
Người lao động ở khu ký túc S11 @ Punggol tại Singapore (Ảnh: Reuters)

Tại Singapore, nhiều ý kiến cho rằng diễn biến Covid-19 cho thấy lỗ hổng của nhà chức trách và của cộng đồng khi đã tự mãn quá sớm với thành công ban đầu trong việc khống chế số ca nhiễm ở mức thấp, nhưng lại không chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng có nguy cơ cao.

"Hai tháng đầu, chúng tôi chúc mừng nhau quá nhiều. Nếu ai đó chủ tâm tìm kiếm, có lẽ họ đã thấy nguy cơ hiển hiện ở đó," Alex Au, chủ tịch nhóm nhân quyền Transient Workers Count Too (TWC2) nói.

Theo Alex Au, nhà chức trách chỉ tập trung phòng chống dịch bệnh cho công dân Singapore, phát khẩu trang, dung dịch rửa tay cho những hộ dân Singapore. Những công dân Singapore ở nước ngoài trở về từ Mỹ và Anh được đưa tới khách sạn bốn sao, năm sao để cách ly, mọi chi phí do chính phủ Singapore chi trả.

"Điều này phản ánh rằng lao động nước ngoài đã cố tình bị bỏ qua, bộ máy nhà nước vận hành như thể họ không tồn tại," Au nói.

HealthServer, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về chăm sóc sức khỏe cho lao động nhập cư cho biết cộng đồng này đã lo lắng về dịch bệnh ngay từ tháng Hai. Tuy vậy, một thay đổi trong quy định đã khiến các bác sĩ, y tá làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận này không thể làm bán thời gian, khiến họ phải cắt giảm dịch vụ tới 90%.

"Đây là điều mà chúng tôi lo ngại sẽ có ngày xảy ra, dù chúng tôi đã hy vọng mọi thứ tốt đẹp nhất sẽ tới," phát ngôn viên của HealthServe Suwen Low nói.

Phát ngôn viên Bộ Nhân lực Singapore trong thông cáo báo chí hôm 14/04 nói nhà chức trách đang tìm cách "giảm số lượng lao động tại các khu ký túc, đồng thời triển khai các kế hoạch hỗ trợ y tế tại tất cả các ký túc".

Lao động trong những ngành dịch vụ thiết yếu đã được di chuyển khỏi các khu ký túc, trong khi giới chức vẫn đang tìm kiếm những cơ sở như doanh trại quân đội, nhà thi đấu, các khu nhà xã hội còn trống để làm nơi ở tạm thời cho lao động nhập cư.

"Ưu tiên lúc này của chúng tôi dành cho lao động ở các khu ký túc là đảm bảo sức khỏe cho họ, giảm tối đa số người nhiễm bệnh," Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore Josephine Teo nói trong cuộc họp báo tuần trước.

Nhà chức trách cũng đang làm việc với các tổ chức như Trung tâm Lao động Nhập cư, được biết đến với một chương trình "đại sứ", những người giúp phổ cập kiến thức vệ sinh, giãn cách xã hội đồng nghiệp và bạn bè cho bạn bè và đồng nghiệp. Yeo Guat Kwang, chủ tịch của tổ chức này cho biết mục tiêu trước mắt là cải thiện tình trạng hiện nay trong tương lai.

"Mọi người đều thông thái hơn khi nhìn lại, nhưng đây quả thực là đại dịch toàn cầu chưa có tiền lệ," Yeo nói.

Lỗ hổng khiến Singapore 'vỡ trận' trước Covid-19 - 1
Người lao động xếp hàng nhận thực phẩm ở một khu ký túc tại Singapore (Ảnh: AFP)

Làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ hai bắt đầu ở Singapore vào giữa tháng 03, khi công dân người nước ngoài về nước từ các vùng dịch ở châu Âu và Mỹ. Tuy vậy, dù số ca ngoại nhập của Singapore khá ít, số ca nhiễm ghi nhận được ở nước này lại tăng cao, và hiện là một trong những nước có số ca nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới.

Theo Washington Post, những người nhập cư chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh hầu hết là nam giới, làm việc trong ngành xây dựng hay những ngày nghề lao động nặng khác mà người Singapore không ưa làm. Công nhân xây dựng ở Singapore trung bình thu nhập 430 đô la mỗi tháng, trong khi thu nhập trung bình của người dân Sinagpore là 3.227 đô la/tháng.

Những ổ dịch được ghi nhận tại nhiều khu ký túc. Hơn 10 ký túc đã được đặt trong tình trạng cách ly, đồng nghĩa với việc người lao động không thể rời phòng, trong khi người ở tại các khu ký túc không được phép rời những nơi này.

Khoảng hơ 200.000 người sống tại các khu ký túc hiện đang trong tình trạng lo sợ, bị cô lập. Họ không thể mua đồ ăn, nấu nướng hay mua thẻ điện thoại để gọi về nhà, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các tổ chức từ thiện và hàng hóa phân phối.

Ali, một lao động hiện ở tại một trong những khu ký túc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, được điều trị sốt, viêm họng trước khi lệnh phong tỏa được ban hành, và đã nghỉ việc vì lý do sức khỏe từ 09/04. Anh nhận được "tư vấn dành cho bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp", nghĩa là anh phải tự cách ly, nếu không sẽ bị phạt 7.000 đô la.

Điều này là không thể trong căn phòng 12 người nơi anh đang ở, Ali nói. Anh ho liên tục, nhưng không thể gặp bác sĩ trong nhiều ngày do lệnh phong tỏa.

"Ai sẽ cho tôi điều trị hoặc giúp đỡ tôi? Tôi sợ sẽ chết trước khi được giúp đỡ," anh nói.

Nhà chức trách cho biết lao động ở các khu ký túc đã lây bệnh cho nhau ở các công trường và những nơi khác như các khu mua sắm, nơi họ tụ tập trong ngày nghỉ. Tại các ký túc, trước khi lệnh phong tỏa được ban hành, những người lao động có thể gặp gỡ, nấu ăn cùng nhau, giúp họ quên đi công việc vất vả và nỗi buồn xa nhà.

Ali hôm 16/04 nói anh đã được gặp bác sĩ, được cho uống thuốc ho và xét nghiệm Covid-19, nhưng chưa biết kết quả. 11 người cùng phòng đã cố gắng giữ khoảng cách với nhau, nhưng gần như không thể. Có lần, anh vào phòng tắm thì thấy không còn xà phòng rửa tay.

Mỗi buổi tối, Ali đọc sách giết thời gian và nói chuyện với gia đình. "Tôi nói với anh tôi về các triệu chứng, anh ấy đã giải thích cho mẹ tôi ở Bangladesh. Bà ấy đã khóc", anh nói.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)