Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Nghiên cứu mới cảnh báo về nhiệt độ lý tưởng nhất để Covid-19 lây lan

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tôn Trung Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc) cho rằng mầm bệnh Covid-19 phát tán nhanh nhất ở 8,72 độ C và kêu gọi các nước khí hậu lạnh "áp dụng các biện pháp kiểm soát dich bệnh chặt chẽ hơn".

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng thời điểm này vẫn còn quá sớm để tin rằng mầm bệnh Covid-19 sẽ phản ứng với thay đổi mùa giống như cảm lạnh thông thường hay cúm.

Nghiên cứu nói trên được các nhà khoa học thuộc Đại học Tôn Trung Sơn (thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) thực hiện, với mục đích tìm hiểu ảnh hưởng của nhiệt độ và thay đổi mùa đối với sự lây lan của chủng mới coronavirus.

Được đăng tải tháng trước nhưng hiện chưa được bình duyệt, nghiên cứu này cho rằng nhiệt độ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự lây lan của virus.

Nghiên cứu mới cảnh báo về nhiệt độ lý tưởng nhất để Covid-19 lây lan
Ảnh minh họa: Yomiuri Shimbun/AP

"Nhiệt độ có thể tạo ra thay đổi đáng kể đối với sự lây lan của Covid-19, và có thể có một mức nhiệt độ lý tưởng để virus lây lan," nghiên cứu có đoạn viết.

Chủng mới của coronavirus "rất nhạy cảm với nhiệt độ cao," và điều này có thể ngăn cản virus lây lan tới các nước hiện có thời tiết nắng nóng. Ngược lại, virus lây lan nhanh hơn ở các nước hiện có thời tiết lạnh, nghiên cứu cho hay.

Dựa trên nhận định này, nghiên cứu kêu gọi "các quốc gia và vùng lãnh thổ hiện có nền nhiệt độ thấp áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt nhẽ hơn".

Nghiên cứu khác của một nhóm nhà khoa học, bao gồm chuyên gia dịch tễ học Marc Lipsitch của Đại học Harvard, lại cho rằng chủng mới coronavirus có thể nhanh chóng lây lan trong những điều kiện độ ẩm khác nhau, từ những khu vực khí hậu lạnh, khô ở Trung Quốc cho tới những vùng khí hậu nhiệt đới.

"Thay đổi thời tiết, chẳng hạn như tăng nhiệt độ, độ ẩm khi Bắc Bán cầu bước vào mùa Xuân và mùa Hè, là không đủ để làm giảm số ca nhiễm Covid-19, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời về mặt y tế công cộng," nghiên cứu này cho biết.

Các nhà khoa học Quảng Châu xây dựng nghiên cứu dựa trên số liệu về ca nhiễm Covid-19 trên toàn Thế giới trong khoảng thời gian 20/01-04/02, trong đó có hơn 400 thành phố và khu vực tại Trung Quốc. Số liệu nói trên được xử lý theo dữ liệu khí tượng trong tháng 01 ở Trung Quốc và các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Phân tích dữ liệu cho thấy số lượng ca nhiễm tăng dần theo nền nhiệt độ trung bình tới ngưỡng 8,72 độ C, sau đó giảm dần.

"Nhiệt độ ảnh hưởng tới môi trường sống của con người và có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh," nghiên cứu nhận xét, bổ sung thêm rằng thời tiết có thể là yếu tố quan trọng lý giải việc vì sao dịch bệnh bùng phát ở thành phố Vũ Hán.

Các chuyên gia khác, bao gồm Hassan Zaraket, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Mỹ ở Beirut, cho rằng khí hậu nóng, ẩm có thể khiến chủng mới coronavirus trở nên không ổn định và do đó khó lây nhiễm hơn, tương tự như những mầm bệnh virus khác.

"Khi nhiệt độ tăng, mức độ ổn định của virus sẽ giảm... Nếu nhiệt độ làm giảm khả năng lây lan và mức ổn định trong môi trường của virus, chúng ta sẽ có thể phá vỡ các chuỗi lây nhiễm," ông Zaraket nói.

Tuy vậy cũng theo Hassan Zaraket, điều này chỉ có lợi đối với những khu vực chưa ghi nhận hiện tượng lây nhiễm Covid-19 rộng rãi trong cộng đồng.

Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO cảnh báo việc cho rằng cho rằng virus sẽ tự diệt vào mùa Hè.

"Chúng ta phải chuẩn bị cho trường hợp virus sẽ tiếp tục lây lan rộng rãi. Không nên nghĩ rằng virus sẽ biến mất vào mùa Hè. Chúng ta không thể đưa ra giả thiết đó, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho điều này," ông Ryan cho hay.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)