Thế giới

Nước mắt hạnh phúc khi đoàn tụ của các gia đình Hàn-Triều ly tán

Nhiều người Hàn Quốc và Triều Tiên không giấu được xúc động lẫn sững sờ khi gặp lại người thân của mình sau hơn 65 năm bị chia tách.

Các gia đình bị chia cắt trong Chiến tranh Triều Tiên (1950–1953) hôm nay đoàn tụ tại khu nghỉ dưỡng trên núi Gumgang, phía đông Triều Tiên, gần khu phi quân sự liên Triều. Cuộc hội ngộ kéo dài 11 giờ này là lần đầu tiên hai nước tổ chức gặp mặt cho các gia đình ly tán trong vòng ba năm qua, theo Reuters.

Khoảng 330 người Hàn Quốc từ 89 gia đình, nhiều người trong số họ phải ngồi xe lăn, đã được gặp 185 thân nhân thất lạc tại Triều Tiên. Họ ôm nhau trong nước mắt, niềm hạnh phúc và cả sự hoài nghi. Một số người gần như không thể nhận ra người thân sau suốt 65 năm xa cách.

"Các chú, xin hãy nhận một lạy của cháu", bà Seo Soon-gyo, 55 tuổi, con của ông Seo Jin-ho, nói với hai người chú ruột Chan-ho và Won-ho khi họ gặp nhau.

Nước mắt hạnh phúc khi đoàn tụ của các gia đình Hàn-Triều ly tán
Các thành viên gia đình từ Hàn Quốc và Triều Tiên ôm nhau trong cuộc đoàn tụ tại núi Gumgang, phía đông Triều Tiên hôm nay. Ảnh: Yonhap.

Trong khi đó, Kim Gyong-sil và Gyong-yong, 72 và 71 tuổi, mặc trang mục hanbok truyền thống màu tím nhạt, đứng nhìn lối ra vào một cách chăm chú và lo lắng trước khi người mẹ 99 tuổi Han Shin-ja của họ xuất hiện. Họ không thốt nên lời trong vài phút sau khi đoàn tụ, chỉ khóc lớn, xoa mặt và nắm tay nhau.

Trong ba ngày từ 20 đến 22/8, các gia đình sẽ được đoàn tụ 6 lần trong khoảng thời gian 11 giờ. Từ 23 đến 26/8, 88 nhóm thân nhân khác, gồm 469 người Hàn Quốc và 128 người Triều Tiên, sẽ được gặp mặt tại cùng địa điểm, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán này là một trong những kết quả tích cực của hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Bản thân Tổng thống Moon Jae-in cũng là thành viên của một gia đình bị chia cắt. Ông cho rằng các cuộc gặp nên được tăng cường và tổ chức thường xuyên, bao gồm cả việc trao đổi các chuyến thăm và gửi thư.

"Thật hổ thẹn cho cả hai chính phủ khi nhiều gia đình đã qua đời mà không biết thân nhân thất lạc của mình còn sống hay không. Việc mở rộng và tăng cường đoàn tụ gia đình là ưu tiên hàng đầu trong số các dự án nhân đạo mà hai miền bán đảo Triều Tiên cần thực hiện", Moon cho biết.

Các cuộc đoàn tụ gia đình được tổ chức từ năm 1985 với số lượng hạn chế mỗi năm khiến nhiều người phải chờ đợi mòn mỏi bởi họ đã có tuổi và tình hình sức khỏe ngày càng kém. Trong số 57.000 người còn sống thuộc các gia đình bị chia tách, 41,2% đang trong độ tuổi 80 và 21,4% trong độ tuổi 90, theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc vào cuối tháng 7.

"Hầu hết thân nhân tham gia gặp mặt là người cao tuổi, nhiều người trong số họ mắc chứng huyết áp cao, tiểu đường và phải điều trị y tế. Trước cuộc đoàn tụ, chúng tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe để họ có thể tham gia sự kiện theo kế hoạch", bác sĩ Han Sang-jo cho biết.

Nhiều người trong số các thành viên gia đình ở Hàn Quốc đã mang quà cho người thân ở Triều Tiên, gồm tất, quần áo, thuốc men, kem đánh răng và thực phẩm.

"Tôi đã chuẩn bị cho anh trai những loại thuốc cơ bản, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cũng như một số nhu yếu phẩm hàng ngày", Lee Soo-nam, công dân Hàn Quốc 76 tuổi, cho biết trước cuộc gặp với người anh tại Triều Tiên. "Anh ấy già rồi, nên tôi thực sự muốn bày tỏ lòng biết ơn vì anh ấy vẫn sống trong suốt khoảng thời gian dài".

Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)