Thế giới

Tương lai mờ mịt của chính trường Anh dù tân thủ tướng là ai?

Sự ra đi của Thủ tướng Liz Truss càng làm gia tăng tình trạng bất ổn của chính trường nước Anh kể từ sau BREXIT (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

Việc bà Truss từ chức cũng khiến vị trí lãnh đạo nước này rơi vào thế bấp bênh trong bối cảnh Anh đối mặt với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và suy thoái kinh tế.

Đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ gấp rút bầu lãnh đạo mới tuần tới để tìm ra ứng viên thay thế bà Truss, người có thời gian giữ chức thủ tướng ngắn nhất trong lịch sử Anh chỉ với 45 ngày. Bà Truss cho biết bà sẽ tiếp tục tại vị cho đến khi chọn được người thay thế. Người kế vị bà Truss sẽ trở thành thủ tướng thứ 3 của Anh trong năm nay. 

Tương lai mờ mịt của chính trường Anh dù tân thủ tướng là ai?
Người kế nhiệm bà Truss cần phải có các chính sách tập trung vào ổn định kinh tế. Ảnh: Reuters

Các ứng cử viên tiềm năng thay thế bà bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, người thua bà Truss trong cuộc đua vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ vừa qua, chủ tịch Hạ viện Penny Mordaunt, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và ông Boris Johnson, cựu thủ tướng từ chức hồi tháng 7.

Các ứng viên thủ tướng cần có ít nhất chữ ký ủng hộ của 100 nghị sĩ trong số 357 nhà lập pháp đảng Bảo thủ, như vậy chỉ có tối đa 3 ứng viên tranh cử. Trong trường hợp có 3 ứng viên, các nghị sĩ Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để chọn ra hai người có kết quả cao nhất vào ngày 24-10. Tiếp đến, 172.000 nghị sĩ Bảo thủ sau đó sẽ bỏ phiếu trực tuyến và danh tính tân thủ tướng dự kiến được thông báo vào ngày 28-10.

Tờ Telegraph (Anh) hôm 20-10 cho biết ông Boris Johnson kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ mình trở lại ghế thủ tướng với lời hứa dẫn dắt đảng Bảo thủ tới chiến thắng trong tổng tuyển cử. Việc ông Johnson tái tranh cử được cho đang gây chia rẽ trong đảng Bảo thủ. Đảng Bảo thủ cho biết các điều luật của đảng cũng không có điều khoản có thể ngăn ông làm vậy.

Bà Bronwyn Maddox, giám đốc tổ chức tư vấn về các vấn đề quốc tế Chatham House (Anh), nhận định: "Vị thế của Anh trên thế giới chắc chắn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi diễn biến mới này và việc thay Thủ tướng liên tục".

Người kế nhiệm bà Truss cần phải có các chính sách tập trung vào ổn định kinh tế nhưng cũng phải bao gồm một giải pháp về mối quan hệ với châu Âu cũng nhưng giải quyết những bất ổn là hậu quả nặng nề của BREXIT.

Ông Paul Dales tại Công ty nghiên cứu Capital Economics (Anh) cho rằng: “Nhìn chung, việc bà Truss từ chức là một bước cần thiết để chính phủ Anh tiến xa hơn trên con đường khôi phục sự tín nhiệm trong mắt thị trường tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải làm và tân thủ tướng có nhiệm vụ lớn là định hướng nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, khủng hoảng chi phí vay thế chấp mua nhà và cuộc khủng hoảng tín nhiệm. Rõ ràng tình hình đang tiến triển rất nhanh".

 Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) gần đây đã hạ triển vọng kinh tế Anh và dự báo một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra và tăng trưởng kinh tế Anh có thể sẽ còn giảm thêm sau thông báo hồi đầu tuần của tân bộ trưởng Tài chính.

Với việc các cuộc thăm dò mới đây cho thấy sự ủng hộ dành cho đảng Bảo thủ giảm mạnh, vòng xoáy hỗn loạn trong chính trường Anh được dự báo sẽ còn kéo dài thời gian tới.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tuong-lai-mo-mit-cua-chinh-truong-anh-du-tan-thu-tuong-la-ai-20221021164457156.htm