Thế giới

Vai trò định đoạt của đội quân thề bảo vệ Maduro tới cùng

Phản ứng của Vệ binh Quốc gia Venezuela với phong trào ủng hộ thủ lĩnh đối lập có thể định đoạt tương lai chính trị của quốc gia này.

Vai trò định đoạt của đội quân thề bảo vệ Maduro tới cùng
Lực lượng an ninh Venezuela bắn hơi cay vào người biểu tình hôm 23/1.

Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị kéo dài nhiều năm qua ở Venezuela hôm 23/1 chứng kiến một bước ngoặt, khi thủ lĩnh đối lập mới nổi Juan Guaido tự phong là "tổng thống lâm thời" và nhanh chóng được Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận. Giới phân tích cho rằng quyết định của Trump sẽ gây biến động lớn với tình hình ở quốc gia Nam Mỹ này, nhưng quân đội Venezuela mới là yếu tố quyết định tương lai đất nước.

"Tuyên bố công nhận Guaido của Mỹ, Canada và nhiều nước Mỹ Latin có thể đẩy căng thẳng Venezuela tới điểm sôi, nhưng về cơ bản chưa làm thay đổi điều gì trên thực địa", Jonathan Marcus, bình luận viên về ngoại giao của BBC, nhận xét. "Tổng thống Nicolas Maduro vẫn nắm giữ quyền lực, đối thủ của ông dù được tiếp thêm sức mạnh từ bên ngoài nhưng vẫn dễ dàng bị dồn ép".

Phil Gunson, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn Crisis Group, cho rằng chính phủ tồn tại song song với chính quyền Maduro của Guaido nhận được sự hậu thuẫn của một số quốc gia phương Tây và Nam Mỹ, nhưng sẽ không thể tồn tại trong thời gian dài khi không có sự ủng hộ của lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt là quân đội Venezuela.

Sau tuyên bố tự phong tổng thống của Guaido, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela và một loạt tướng quân đội nước này cùng lên tiếng khẳng định không công nhận quyền lực của thủ lĩnh đối lập, đồng thời thể hiện lòng trung thành với Tổng thống Maduro và thề ngăn nội chiến bằng mọi giá.

Tòa án Tối cao Venezuela cho rằng "một cuộc đảo chính đang nhen nhóm với sự chấp thuận của các chính phủ nước ngoài", khẳng định họ ủng hộ "quyền lực hợp pháp" của Maduro và chống lại "bất cứ tuyên bố vi hiến nào nhằm chiếm đoạt vị trí lãnh đạo được người dân bầu ra".

Vanessa Buschchluter, biên tập viên phụ trách khu vực châu Mỹ Latin của BBC, nhận định quân đội và lực lượng an ninh Venezuela đủ khả năng dẹp tan các phong trào biểu tình trong thời gian ngắn và sẽ không để bất ổn kéo dài. Năm 2017, Venezuela từng chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn người, nhưng phản ứng của lực lượng an ninh nước này là rất mau lẹ.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã dùng hơi cay, đạn cao su, thậm chí là đạn thật để bắn vào người biểu tình, khiến số người thiệt mạng tăng lên nhanh chóng. Đến tháng 8/2017, sau 4 tháng tuần hành mệt mỏi cùng số người chết lên đến hơn 100 trong các cuộc đụng độ, phong trào biểu tình lắng xuống, khi nhiều người tuyên bố không muốn mạo hiểm mạng sống hoặc đối mặt nguy cơ bị bắt.

Vai trò định đoạt của đội quân thề bảo vệ Maduro tới cùng - 1
Các binh sĩ Venezuela trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô Caracas. Ảnh: Reuters.

Hàng nghìn người Venezuela cũng đã đổ ra đường hôm 23/1 để thể hiện sự ủng hộ với Guaido và đụng độ với lực lượng an ninh, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng. Buschchluter cho rằng nguy cơ Venezuela có rơi vào bạo lực, bất ổn kéo dài hay không phụ thuộc rất lớn vào phản ứng của quân đội nước này.

"Điều chắc chắn là hành vi của những người cầm súng sẽ quyết định phần lớn điều gì sẽ xảy ra ở Venezuela trong những ngày tới và định hình nền chính trị ở nước này", Moises Naim, cựu bộ trưởng Venezuela đang là chuyên gia tại Trung tâm Hòa bình Quốc tế Carnegie, bình luận trong một phiên thảo luận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm qua, theo MSN.

Các chuyên gia phân tích cũng không cho rằng "những người cầm súng" này có thể là lính Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela. Theo Marcus, dù chỉ trích quyết liệt Maduro trong những ngày qua, Trump sẽ không mạo hiểm tung quân vào Venezuela để hỗ trợ cho người mà ông coi là "tổng thống hợp pháp" Guaido.

"Dù sao, Trump cũng chính là người đã ra lệnh rút quân Mỹ khỏi Syria và muốn cắt giảm hiện diện quân sự ở Afghanistan xuống một nửa", Marcus viết. "Nhiều khả năng ông ấy sẽ không muốn đưa lính thủy đánh bộ Mỹ tới Venezuela trong tình hình hiện nay".

Theo cây bút này, Mỹ chỉ có thể có biện pháp can thiệp quân sự ở mức độ nhất định khi đại sứ quán của họ ở Venezuela bị tấn công, hoặc tình hình bạo lực ở quốc gia này vượt tầm kiểm soát. Washington khi đó có thể đề xuất sử dụng lực lượng quân sự lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng dự thảo nghị quyết này nhiều khả năng sẽ bị phủ quyết bởi các nước ủng hộ Maduro như Nga và Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua khẳng định bất cứ sự "can thiệp phá hoại" nào từ bên ngoài vào tình hình nội bộ của Venezuela là "không thể chấp nhận được", cảnh báo nước này sẽ chống lại mọi nỗ lực can thiệp quân sự có thể dẫn tới "hậu quả thảm khốc" của Mỹ vào Venezuela.

Vai trò định đoạt của đội quân thề bảo vệ Maduro tới cùng - 2
Tổng thống Maduro (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino.

Giới quan sát quốc tế cũng có chung nhận định rằng những hành động can thiệp vào tình hình nội bộ của một quốc gia có chủ quyền sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường và có thể khiến tình hình vượt tầm kiểm soát, tạo ra vòng xoáy bạo lực mới. "Chính quyền Trump có thể gia tăng các lệnh cấm vận với Venezuela hay phong tỏa tài sản của chính quyền Maduro, nhưng những hành động đó nhiều khả năng sẽ khiến cuộc sống người dân Venezuela gặp nhiều khó khăn hơn", Marcus nhận định.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo thế giới đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh để tránh gây đổ máu ở Venezuela. Người phát ngôn Giáo hoàng Francis cho biết lãnh đạo Vatican "cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng và cho mọi người dân Venezuela", còn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mong muốn các bên đối thoại để ngăn cuộc khủng hoảng Venezuela vượt tầm kiểm soát.

Theo Thành Nguyễn (VnExpress.net)