Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Virus SARS-CoV-2 có thể 'đã lây lan ở con người' hàng thập kỷ

Chủng coronavirus gây bệnh Covid-19 có thể đã âm thầm lây lan ở con người nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, trước khi bùng phát dữ dội gây ra khủng hoảng y tế toàn cầu, theo nghiên cứu của những nhà virus học hàng đầu Thế giới.

Các nghiên cứu Mỹ, Anh và Australia đã xem xét dữ liệu cung cấp bởi những nhà khoa học trên khắp Thế giới để điều tra nguồn gốc của chủng virus, và phát hiện rằng có thể virus đã lây từ động vật sang người từ lâu trước khi được phát hiện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

Dù nhiều kịch bản có thể đã xảy ra, nhưng các nhà khoa học cho biết chủng coronavirus này mang một đột biết riêng biệt không tìm thấy ở những vật chủ động vật. Thay vào đó, đột biến riêng biệt này có thể xảy ra trong quá trình lây lan ở con người.

Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các nhà khoa học  Kristian Andersen (Viện Nghiên cứu Scripps, California), Andrew Rambaut (Đại học Edinburgh, Scotland), Ian Lipkin (Đại học Columbia, New York), Edward Holmes (Đại học Sydney) và Robert Garry (Đại học Tulane, New Orleans), đăng tải trên tuần san Nature Medicine hôm 17/03.

Virus SARS-CoV-2 có thể 'đã lây lan ở con người' hàng thập kỷ
Ảnh minh họa: AP

Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nhận định nghiên cứu cho thấy khả năng chủng coronavirus đã lây từ động vật sang người trước khi có thể gây bệnh ở người.

"Sau khi trải qua nhiều năm thậm chí nhiều thập kỷ tiến hóa, virus có khả năng lây từ người sang người, và gây ra căn bệnh nghiêm trọng, nguy hiểm tới tính mạng," ông Collins viết trên trang Web của Viện Y tế Quốc gia Mỹ hôm 26/03.

Tháng 12/2019, bác sĩ tại Vũ Hán nhận thấy số ca nhiễm bệnh viêm phổi lạ tăng cao bất thường. Xét nghiệm cúm và các mầm bệnh khác đều cho kết quả âm tính. Một chủng virus mới được phân lập, và một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Viện Virus học Vũ Hán, đứng đầu là tiến sĩ Shi Zengli, đã xác định nguồn gốc của nó là virus ở dơi trong một hang núi.

Hai chủng virus giống nhau tới 96% về mặt gene, nhưng chủng virus ở dơi không thể lây sang người, do không có protein gai để bám vào thụ thể ở tế bào con người.

Các chủng coronavirus có protein gai sau đó được tìm thấy ở tê tê Java, khiến các nhà nghiên cứu cho rằng đã có quá trình tài kết hợp hệ gene xảy ra giữa virus ở dơi và ở tê tê.

Tuy vậy, chủng SARS-CoV-2 có một đột biến gene gọi là vị trí phân cắt đa bazơ chưa từng được tìm thấy trên các chủng coronavirus ở dơi và tê tê, theo Andersen và các cộng sự.

Đột biến này, theo một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Trung Quốc, Pháp và Mỹ, đã tạo ra cấu trúc đặc trưng trong protein gai của SARS-CoV-2 để tương tác với furin, một loại enzyme phổ biến trong cơ thể người, từ đó dẫn tới sự hợp nhất giữa vỏ ngoài của virus với tế bào cơ thể người khi tiếp xúc với nhau.

HIV và Ebolavirus đều có những vị trí phân cắt tương tự như vậy, khiến chúng trở nên dễ lây lan.

Đột biến kể trên có thể đã diễn ra tự nhiên khi virus xâm nhập vật chủ động vật. Virus gây Hội chứng Suy hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) đều được cho là hậu duệ trực tiếp của các chủng virus được tìm thấy trên cầy hương và lạc đà, bởi giống nhau tới 99% về gene.

Tuy vậy, các nhà khoa học không tìm thấy những bằng chứng trực tiếp như vậy đối với chủng mới coronavirus. Sự khác biệt giữa virus trên người và trên động vật quá lớn, do đó họ đặt ra giả thuyết khác.

Virus SARS-CoV-2 có thể 'đã lây lan ở con người' hàng thập kỷ - 1
Ảnh minh họa: Getty

"Có thể tiền thân của SARS-CoV-2 lây sang người rồi mới xảy ra đột biến kể trên trong quá trình thích nghi khi âm thần lây lan từ ngwfi sang người," các nhà nghiên cứu viết.

"Sau khi đột biến xảy ra, những sự thích nghi tạo điều kiện cho virus gây ra đại dịch toàn cầu, tạo ra những ổ dịch lớn khiến hệ thống giám sát y tế của con người phải lưu ý," nghiên cứu cho biết thêm.

Các tác giả cũng cho biết những model được thiết lập dựa trên kiến thức của con người về coronavirus, chạy trên các máy tính mạnh nhất hiện nay cũng không thể tạo ra cấu trúc protein gai kỳ lại nhưng rất hiệu quả trong việc kết hợp với tế bào vật chủ như vậy.

Nghiên cứu này cũng gần như loại bỏ giả thuyết virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm, ông Collins nói.

Kết quả nghiên cứu đồng nhất với ý kiến của các nhà khoa học Trung Quốc. Zhong Nanshan, một trong những chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc từng nói đã có nhiều bằng chứng cho thấy nguồn gốc của virus có thể không phải là từ Trung Quốc.

"Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán không có nghĩa là virus bắt nguồn tại đây," ông Zhong trả lời phỏng vấn tuần trước.

Các sĩ công tác ở bệnh viện công điều trị Covid-19 tại Bắc Kinh nói rằng ngành y tế một số nước đã báo cáo về các đợt bùng phát bệnh viêm phổi lạ trong năm 2019.

Việc xem xét lại các ghi chép, mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân có thể sẽ mang lại nhiều thông tin về đại dịch Covid-19, người này cho biết trêm SCMP.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)