Sáng 11/7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp lần thứ hai và thống nhất biểu quyết đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 7,2%, tương đương 250.000-350.000 đồng/tháng tùy khu vực, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, tất cả thành viên tham dự đều nhất trí với mức điều chỉnh này.

Ông Khương nhận định, mức tăng 7,2% là phù hợp với bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay, hướng tới nâng cao đời sống người lao động trong thời kỳ chuyển mình mới của đất nước.

luong huu   anh nam khanh 10 26081.jpg
Với mức tăng 7,2%, lương tối thiểu vùng cao nhất hiện nay Vùng 1 dự kiến là 5,31 triệu đồng/ tháng

Với mức đề xuất này, lương tối thiểu vùng dự kiến được điều chỉnh như sau:

Vùng 1: Từ 4,96 triệu lên 5,31 triệu đồng/tháng; Vùng 2: Từ 4,41 triệu lên 4,73 triệu đồng/tháng;

Vùng 3: Từ 3,86 triệu lên 4,14 triệu đồng/tháng; Vùng 4: Từ 3,45 triệu lên 3,7 triệu đồng/tháng.

Lương tối thiểu theo giờ cũng sẽ được quy đổi tương ứng trên cơ sở mức lương tối thiểu tháng.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất vào ngày 26/6, các bên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tỷ lệ tăng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai phương án tăng: 9,2% và 8,3%, nhằm đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động. Trong khi đó, đại diện giới sử dụng lao động - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng ở mức 3-5%. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra phương án trung dung hơn, từ 6,5-7%.

Sau nhiều vòng thảo luận, các bên đã đạt được đồng thuận về phương án 7,2%. Mức tăng này được đánh giá là tiệm cận kỳ vọng của người lao động, đồng thời tạo dư địa cho doanh nghiệp thích nghi trong năm tới. Hội đồng sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Theo Vũ Điệp (VietNamNet)