Gia đình

3 người trong một gia đình ngạt khí vì đốt than sưởi trong phòng kín

3 người trong một gia đình đốt than để sưởi ấm trong phòng ngủ bất ngờ ngạt khí dẫn đến bất tỉnh.

Ngày 22/12, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh xác nhận với Dân Trí, đơn vị vừa tiếp nhận điều trị cho 3 trường hợp bị ngộ độc khí.

Theo đó, ba bệnh nhân gồm bé trai N.Đ.T. (gần một tháng tuổi), chị N.T.B. (34 tuổi) và anh N.Đ.P. (34 tuổi, trú xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Khoảng 7h cùng ngày, ba bệnh nhân được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, mệt, buồn nôn. Các bác sĩ chẩn đoán họ bị ngộ độc khí CO.

"Riêng bé trai được chẩn đoán suy hô hấp nặng. Sau khi làm xét nghiệm cơ bản, hội chẩn để đặt nội khí quản, thở máy, chúng tôi đã chuyển bệnh nhi ra Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Còn bố mẹ của cháu đã tỉnh táo nhưng vẫn phải thở oxy", đại diện Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh thông tin.

Theo chính quyền địa phương, chị B. (vợ anh P.) mới sinh bé T. được gần một tháng. Gia đình thường đốt than củi trong phòng kín để sưởi ấm.

Sáng 22/12, người anh trai không thấy anh P. dậy chở hai con đầu đi học nên sang gọi nhưng không được. Anh này phá cửa vào và phát hiện cả ba người đang bất tỉnh.

3 người trong một gia đình ngạt khí vì đốt than sưởi trong phòng kín
Ảnh minh họa: Internet

Năm nào vào mùa đông, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận những trường hợp hôn mê vì đốt than củi, than đá sưởi ấm. Thực tế đã có nhiều sự việc đau lòng xảy ra do sưởi ấm trong phòng kín.

VietNamNet dẫn lời TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng.

Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”.

Cũng theo TS.BS Nguyên, bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Điều nguy hiểm ở chỗ bệnh nhân không kịp nhận ra được những bất thường, họ lịm, ngất đi nhanh chóng mà không nhận ra nguy cơ, không thể thoát ra ngoài dù với người bình thường chỉ là một cái với tay mở toang cửa. Rất nhiều trường hợp tử vong tại chỗ hoặc đến viện đã tử vong.

Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Bác sĩ khuyến cáo: "Chỉ dùng bếp than, bếp củi để sưởi ấm trong điều kiện ngoài trời hoặc phòng thoáng khí, có mở cửa hoặc ô thoáng để thông khí. Tuyệt đối không sưởi ấm bằng bếp than trong phòng kín".

Để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, BS Nguyên khuyên người dân trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông tuyệt đối không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm.

Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc. Đồng thời, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim.

Thời gian tách khỏi khí CO càng sớm, người bệnh càng có cơ hội sống, hồi phục. Còn hôn mê quá lâu do khí CO, não thiếu oxy sẽ để lại những di chứng lâu dài về thần kinh.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/3-nguoi-trong-mot-gia-inh-ngat-khi-vi-ot-than-suoi-trong-phong-kin-a365920.html