Gia đình

Chủ quan bệnh nhẹ tự điều trị tại nhà, chưa tiêm vaccine covid-19, F0 ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch hầu hết đều tử vong

Chủ quan cho rằng bệnh nhẹ, F0 giấu bệnh, không khai báo với y tế địa phương, tự điều trị tại nhà nên đến viện trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng.

Sáng 18/1, trao đổi với phóng viên Infonet, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn - Nguyễn Thị Lan Hương, cho biết hiện đã bắt đầu xảy ra tình trạng bệnh nhân F0 giấu bệnh, không khai báo với y tế địa phương, tự điều trị tại nhà nên đến viện trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng.

“Hiện tại có tình trạng bệnh nhân tự test tại nhà, tự điều trị tại nhà khi đến viện đã trong tình trạng nặng rồi. Những bệnh nhân 4- 5 ngày, 1 tuần ở nhà, những trường hợp tự điều trị ở nhà 2 tuần sau đó mới vào đến viện… thì những bệnh nhân đó hầu như tử vong. Vì bệnh nhân không được tiếp cận với y tế ngay từ đầu cho nên vào viện đã suy hô hấp, mà như thế rất khó cứu sống”, BS Hương cảnh báo.

Theo báo cáo, trong 4 ca tử vong ngày 17/1 tại Bệnh viện Thanh Nhàn đều là những ca đã tự điều trị tại nhà từ 4-7 ngày, có bệnh lý nền và chưa từng tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Chủ quan bệnh nhẹ tự điều trị tại nhà, chưa tiêm vaccine covid-19, F0 ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch hầu hết đều tử vong
F0 được điều trị tại BV Thanh Nhàn 

Đơn cử như trường hợp BN nam 73 tuổi (Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện ngày 16/1 và tử vong ngay sau đó một ngày.

Bệnh nhân có tiền sử suy tim, tăng huyết áp, chưa tiêm vắc xin. Theo lời người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân xuất hiện khó thở 1 tuần trước khi nhập viện. Ngày 16/1, bệnh nhân mệt nhiều vào viện test Covid cho kết quả dương tính và được chỉ định nhập viện. Tuy nhiên, sau một ngày nỗ lực điều trị, bệnh nhân đã không qua khỏi.

Trường hợp tương tự là BN nữ 70 tuổi (La Khê, Hà Đông) có tiền sử K vòm họng, đái tháo đường và chưa tiêm vắc xin.

Bệnh nhân được chẩn đoán Covid-19 bằng test nhanh từ 7/1/2022, tự điều trị tại nhà, đến 16/1/2022 bệnh nhân test nhanh âm tính. Cách vào viện 1 ngày bệnh nhân xuất hiện lơ mơ, khó thở. Người nhà gọi, hỏi bệnh nhân không biết nên vội vàng đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt, Sp02 80% khí trời; Sp02 97% oxy mask túi.

Bệnh nhân ngay sau đó được chỉ định thở oxy mask túi 15l/p, kháng sinh, chống đông, corticoid, gia đình xin không can thiệp thủ thuật đến 15h00 17/1/22 BN xuất hiện ngừng tuần hoàn. Sau 30p cấp cứu ngừng tuần hoàn không thành công, bệnh nhân tử vong.

Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (thuộc ĐH Y Hà Nội) PGS. TS Hoàng Bùi Hải thông tin với phóng viên, một tuần gần đây số bệnh nhân nặng, nguy kịch điều trị không giảm đi vẫn duy trì mức cao.

Số ca bệnh nặng, nguy kịch theo PGS. TS Hoàng Bùi Hải tập trung chủ yếu ở nhóm anti vắc xin hoặc tiêm vắc xin không đầy đủ, có bệnh lý nền, người cao tuổi. Trong đó có cả những bệnh nhân trẻ tuổi thuộc nhóm anti vắc xin có độ tuổi từ 30-40, hoặc người trẻ (trong nhóm người cao tuổi) dưới 60- 70 tuổi.

“Hiện trong phòng có 2 trường hợp phải thở máy đều là những người theo trường phái anti vắc xin”, PGS. TS Hoàng Bùi Hải thông tin.

F0 nếu có một trong 8 dấu hiệu sau đây phải báo ngay với nhân viên y tế

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

- Nhịp thở tăng: Người lớn nhịp thở >21 lần/phút; Trẻ từ đến dưới 5 tuổi nhịp thở: ≥40 lần/phút; Trẻ từ 5- dưới 12 tuổi: nhịp thở ≥ 30 lần/phút.

- SpO2 < 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Chủ quan bệnh nhẹ tự điều trị tại nhà, chưa tiêm vaccine covid-19, F0 ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch hầu hết đều tử vong - 1
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

- Không thể uống. Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.

- Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...

F0 điều trị tại nhà cần chuẩn bị những gì?

Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế Hà Nội về quản lý, điều trị và chăm sóc F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, khi điều trị tại nhà, các F0 cần chuẩn bị:

Lưu số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe.

Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.

Khẩu trang y tế dùng 1 lần;

Găng tay y tế sạch;

Dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng;

Dụng cụ cá nhân: bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt) máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.

Phương tiện cần có:

Nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2);

Máy đo huyết áp;

Điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế;

Thùng rác thải y tế;

Túi thuốc điều trị tại nhà;

Có người thân chăm sóc.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/chu-quan-benh-nhe-tu-dieu-tri-tai-nha-chua-tiem-vaccine-covid-19-f0-o-ha-noi-nhap-vien-trong-tinh-trang-nguy-kich-hau-het-deu-tu-vong-tintuc806122