Gia đình

Vì sao người trẻ dễ bị đột tử khi chơi thể thao?

Người trẻ thường có tâm lý chủ quan và thường thích các môn thể thao gắng sức dẫn tới nhiều người bị đột tử khi đang chơi thể thao.

Vì sao người trẻ dễ bị đột  tử khi chơi thể thao?

Nguyên nhân đột tử

ThS. BS Phạm Xuân Hiếu - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Trưởng nhóm cấp cứu đột quỵ - Bệnh viện E cho biết bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp đột tử do chơi thể thao, đặc biệt số ca bệnh nhân trẻ chiếm nhiều hơn.

Theo bác sĩ Hiếu, các ca đột tử do tập luyện hoặc hoạt động gắng sức đều liên quan đến các vấn đề tim mạch. Ví dụ như bệnh nhân bị bệnh phì cơ tim. Bệnh phì đại thất trái gây ra những rối loạn dẫn truyền trong tim.

Nếu bệnh nhân không biết bệnh và khi hoạt động gắng sức, tim hoạt động mạnh gây ra hiện tượng rối loạn nhịp lên rung thất và ngừng tim. Đây là nguyên nhân gây đột tử rất nhiều ở người trẻ, vận động viên đột tử bởi vì bệnh này hầu như các triệu chứng không phát hiện được sớm.

Các rối loạn dẫn truyền trong tim người tập luyện đột nhiên cảm thấy nhịp tim đập nhanh 150-200 nhịp/phút, nó có thể xảy ra rất nhanh và thoáng qua. Nếu người mắc rối loạn dẫn tuyền thì nguy cơ chuyển từ nhanh thất sang rung thất và ngừng tim khi hoạt động gắng sức là rất dễ xảy ra.

Vì sao người trẻ dễ bị đột  tử khi chơi thể thao? - 1
Ảnh minh hoạ.

BS Hiếu cho rằng đột tử do hoạt động, vận động gắng sức tiềm ẩn ở người trẻ đa số do bệnh tim mạch là chính. Từ tim mạch có thể xuất hiện tại tim gây ra ngừng tim, hay các rối loạn nhịp đó gây ra các bệnh lý khác như cục máu đông bắn lên phổi gây tắc mạch phổi, dẫn đến tử vong.

Ngoài các vấn đề về tim, bệnh mạch vành cũng rất nguy hiểm. Người trẻ khi hoạt động gắng sức hay cả với người cao tuổi tiền sử đã hẹp mạch vành do mảng xơ vữa hoặc do dị dạng từ trước mà không phát hiện ra, khi tim hoạt động mạnh, nhu cầu máu cơ tim lớn nhưng mạch hẹp và có thể làm tắc nghẽn mạch gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp, ngừng tim và tử vong.

Tập luyện như thế nào để an toàn

Theo bác sĩ Hiếu phần lớn các bệnh tim mạch tiến triển âm thầm, đa số không triệu chứng cho đến khi gắng sức.

Vì vậy, bác sĩ Hiếu khuyến cáo mọi người phải tầm soát sớm. Với bệnh tim bẩm sinh tầm soát sớm trong bào thai, nhỏ tuổi siêu âm tim để phát hiện. Các bệnh lý về tim đang trẻ hóa, do đó những người trên 35 tuổi nên kiểm tra tim mạch thường xuyên để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn gây các bệnh lý về tim mạch.

Với những người bình thường cần tập luyện phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, lắng nghe cơ thể mình trong quá trình tập luyện, trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Và đặc biệt không sử dụng chất kích thích trước khi tập luyện, hoặc khi đã uống bia rượu thì không nên tập thể dục, thể thao, bởi các chất kích thích làm tăng nguy cơ rối loạn dẫn truyền rất nguy hiểm.

Trong quá trình tập luyện cần bù nước, điện giải tốt bởi vì nhiều trường hợp đột tử cũng liên quan đến rối loạn điện giải, kali giảm hoặc tăng quá mức.

Kali giảm gây yếu cơ, người mệt oải do mất mồ hôi, điện giải, nếu giảm quá mức thì nguy cơ ngừng tim cao. Những người có tiền sử bệnh suy thận mạn nếu ăn quá nhiều đồ ngọt, socola, chuối… dẫn đến tăng kali cũng có thể gây ngừng tim.

Sau khi tập luyện xong phải nghỉ ngơi, rồi mới tắm. Nên tắm nước ấm, không nên tắm nước lạnh ngay bởi có thể gây ra hiện tượng mạch đang giãn ra đột nhiên co thắt lại, nhất là ở những người lớn tuổi rất nguy hiểm.

Khi bạn đang tập luyện ngoài môi trường nhiệt độ cao cũng không nên vào luôn phòng điều hòa với nhiệt độ thấp 20-21 độ C bởi có thể gây nguy cơ co thắt với những người lớn tuổi, khả năng thích nghi với sự thay đổi kém.

Theo N.Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/vi-sao-nguoi-tre-de-bi-dot-tu-khi-choi-the-thao-16121060620014242.htm