Thế giới

Cơ quan Hoàng gia Nhật Bản bị chỉ trích vì để vợ chồng Công chúa thành 'mồi ngon' cho truyền thông lá cải

Hôn lễ của Công chúa Mako và Kei Komuro bị ảnh hưởng do bê bối tài chính liên quan tới mẹ của chú rể, tuy vậy tờ Japan Times cho rằng chiến lược truyền thông của Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản có thể đã làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Hôn lễ của Công chúa Mako và Kei Komuro, sau khi bị trì hoãn tới bốn năm, đã được tiến hành hôm 26/10. Ngay từ đầu, cuộc hôn nhân đã bị ảnh hưởng vì tranh chấp tài chính liên quan tới gia đình của chú rể Komuro, khiến truyền thông và công chúng Nhật Bản cảm thấy đây là một cuộc hôn nhân có ảnh hưởng của tiền bạc, không phải vì tình yêu.

Hôn phu cũ của mẹ Komuro cho rằng bà ta nợ ông hơn 4 triệu yen, trong đó có cả những khoản học phí của Komuro. Người này cho rằng ông đã cho mẹ của chú rể vay tiền, trong khi bà nói số tiền đó đơn giản là bà được tặng.

Kết quả thăm dò ý kiến độc giả do tờ Mainichi Shimbun cho thấy 38% người được hỏi ủng hộ cuộc hôn nhân, nhưng cũng có tới 35% phản đối.

"Tôi cho rằng Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản không có chiến lược nào để phản hồi những chỉ trích nhắm vào hôn phu của công chúa," giáo sư Yohei Mori thuộc Đại học Seijo ở Tokyo nói.

Trong kỷ nguyên mạng xã hội, mọi tin tức đều lan truyền rất nhanh, im lặng không còn là vàng, theo giáo sư Mori.

“Cách tiếp cận của Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản không bắt kịp thời đại,” Mori, từng là một phóng viên đưa tin về Hoàng gia và cũng là tác giả một số cuốn sách về đề tài này, cho biết.

Cơ quan Hoàng gia Nhật Bản bị chỉ trích vì để vợ chồng Công chúa thành 'mồi ngon' cho truyền thông lá cải

Chẳng hạn, Mori lấy ví dụ thông báo dài 24 trang giải thích tranh chấp tài chính giữa mẹ Kei Komuro và hôn phu cũ của bà này mà anh đưa ra hồi tháng 04, theo đề nghị của Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản. 

Trong thông báo, anh giải thích các vấn đề, đồng thời cam kết “đính chính các thông tin sai sự thật”, dường như nói về các báo cáo tranh chấp giữa mẹ anh và vị hôn phu cũ.

Tuy vậy, thông báo này đã trở nên phản tác dụng, theo Mori. Vị giáo sư cho rằng Komuro lẽ ra chỉ cần cảm ơn hôn phu cũ của mẹ, khẳng định rằng anh sẽ không bao giờ quên ơn ông là đủ.

“Thông báo đưa ra quá dài, ngôn ngữ tư pháp mà anh ta sử dụng quá phức tạp, cuối cùng rất khó hiểu anh ta muốn chuyển tải thông điệp gì,” Mori nói, bổ sung thêm rằng hàng loạt bình luận sau đó cũng không giúp gì cho cặp đôi.

Thực tế, sau khi động thái trên được đưa ra, dư luận càng quan tâm hơn tới vấn đề tranh chấp tài chính của mẹ chú rể. Mori nhắc tới một chương trình truyền hình nơi các bình luận viên tranh cãi về tình trạng tài chính của Komuro, đồn đoán về các quyết định mà anh đưa ra và suy nghĩ của anh.

Việc truyền thông liên tục đưa tin về Komuro khiến công chúng cảm thấy bất an, dẫn tới việc người dân thậm chí đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc hôn nhân, theo Japan Times.

Công chúa Mako không phải thành viên đầu tiên của Hoàng gia bị truyền thông soi mói. Ngay cả Hoàng hậu Masako và Thái hậu Michiko cũng từng là nạn nhân của những động thái tương tự.

“Tất cả đều biết họ sẽ không lên nắm quyền, do đó họ thường trở thành nạn nhân của những chỉ trích từ xã hội,” phó giáo sư Hideya Kawanishi, chuyên môn lịch sử Nhật Bản và hệ thống hoàng gia của nước này tại Đại học Nagoya, cho biết.

Khi Hoàng hậu Masako còn là Thái tử phi, bà bị các tờ báo lá cải chỉ trích vì không có con, sau đó lại bị chỉ trích vì ưu tiên công du nước ngoài, theo Kawanishi.

Hoàng hậu Masako mang thai lần đầu vào cuối năm 1999, nhưng không may bị sảy thai. Bà cũng chịu nhiều áp lực phải sinh con trai kế vị ngai vàng. Hoàng hậu chỉ có một con gái, Công chúa Aiko, ra đời vào tháng 12/2001. Bà phải điều trị stress trong nhiều năm, theo Japan Times.

Thái hậu Michiko cũng từng là mục tiêu chỉ trích của các tờ báo lá cải trong một thời gian dài.

Năm 1993, các tạp chí ở Nhật Bản đăng tải hàng loạt bài viết với tiêu đề cho rằng khu rừng tự nhiên xung quanh Cung điện Hoàng gia bị chặt hạ theo lệnh từ Hoàng hậu. Trong một động thái hiếm thấy, Thái hậu Michiko, khi đó còn là Hoàng hậu, đã ra thông báo bày tỏ quan điểm.

“Tôi tin rằng tôi phải lắng nghe những ý kiến chỉ trích như một hình thức tự xem xét. Tôi hy vọng các bạn sẽ tha thứ nếu tôi chưa cẩn trọng, hay nếu lời nói của tôi làm tổn thương ai đó… Xã hội của chúng ta không phải là không cho phép những ý kiến chỉ trích, nhưng tôi không muốn nó trở thành một xã hội chấp nhận những chỉ trích được đưa ra không dựa trên sự thật và lặp đi lặp lại,” tuyên bố của Hoàng hậu vào thời điểm đó có đoạn.

Do áp lực chỉ trích từ truyền thông, Hoàng hậu Michiko bị mất giọng và chỉ có thể nói rất nhỏ sau đó vài tháng.

Cơ quan Hoàng gia Nhật Bản bị chỉ trích vì để vợ chồng Công chúa thành 'mồi ngon' cho truyền thông lá cải - 1

Có những điểm tương đồng nhất định với tình hình của Công chúa Mako ở thời điểm hiện tại. Hồi đầu tháng 10, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thông báo cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn stress hậu sang chấn.

Tuy vậy, Kawanishi cũng chỉ ra điểm khác biệt giữa quá khứ và hiện tại. Thông thường, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản đính chính các bài báo không công bằng của các tạp chí hàng tuần hay báo lá cải trên website chính thức. Với trường hợp của Komuro, cơ quan này giữ im lặng, dường như cho rằng đây là vấn đề riêng tư của anh.

Cơ quan này sau đó chỉ đính chính thông tin mà tờ Shukan Shincho đăng tải hôm 24/12/2020, cho rằng Hoàng gia đã ra “tối hậu thư” cho gia đình Komuro dựa trên yêu cầu từ Thái hậu Michiko.

Giáo sư Yohei Mori cho rằng Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản lẽ ra phải có thông điệp rõ ràng hơn rằng Hoàng gia không coi rắc rối tài chính của gia đình Komuro là trở ngại cho cuộc hôn nhân của cặp đôi.

Trong một cuộc họp báo hồi năm ngoái, cha của Công chúa Mako, Thân vương Fumihito đã nói về kế hoạch hôn lễ của cặp đôi. Theo Mori, Thân vương Fumihito đã đưa ra thông điệp mâu thuẫn, khiến công chúng có cảm giác hôn phu của Công chúa Mako không phù hợp với Hoàng gia.

“Thân vương nói ông ủng hộ cuộc hôn nhân. Nhưng dường như việc ông thông báo cặp đôi sẽ không tham dự nghi lễ Nosai no Gi truyền thống là không cần thiết và gây ra mâu thuẫn… Tôi cho rằng đó là sai lầm lớn,” Mori cho biết.

Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản hiện không có ban cố vấn có thể đưa ra những đề xuất giúp họ giải quyết vấn đề niềm tin của công chúng, theo Mori.

“Cơ quan này nhiều khả năng không nghĩ gì nhiều tới việc họ cần phải chuyển tải thông điệp nào” để phản ứng trước các chỉ trích nhắm vào hôn phu của công chúa Mako, Mori nhận xét.

“Trong thời đại mạng xã hội, chiến lược chia sẻ thông tin với các hãng truyền thông tin cậy đã lỗi thời. Cơ quan này cần có những chiến lược quan hệ công chúng mới,” vị giáo sư nói thêm.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/co-quan-hoang-gia-nhat-ban-bi-chi-trich-vi-de-vo-chong-cong-chua-thanh-moi-ngon-cho-truyen-thong-la-cai-tintuc793454