Thế giới

Năm 2023 có thể trở nên nóng hơn nữa sau vụ phun trào núi lửa ở Thái Bình Dương

Vụ phun trào núi lửa mới đây ở Thái Bình Dương không chỉ ảnh hưởng cục bộ mà có thể lan ra toàn thế giới.

Vào tháng 01/2022, vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã giải phóng một lượng hơi nước cực lớn, tương đương 60.000 bể bơi Olympic. Đây cũng là một trong những trường hợp núi lửa phun trào lại giải phóng hơi nước thay vì các đám mây bụi làm mát hành tinh. Lượng hơi nước này được giải phóng vào thẳng tầng bình lưu của Trái Đất.

Theo giáo sư Peter Thorne - nhà khoa học khí hậu của Đại học Maynooth ở Ireland, đây là hiện tượng ngoại lệ. Ông nhận định: "Hầu hết các vụ phun trào núi lửa đều có tác dụng làm mát. Song vụ núi lửa Tonga phun trào là một ngoại lệ. Đây là minh chứng quan trọng cho hiện tượng chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây”.

Năm 2023 có thể trở nên nóng hơn nữa sau vụ phun trào núi lửa ở Thái Bình Dương
Núi lửa Tonga phun trào hồi năm 2022

Bên cạnh hiện tượng thời tiết El Nino, thì nhiều nhà khoa học đánh giá các hiện tượng thất thường như vụ phun trào núi lửa Tonga cũng ảnh hưởng đến việc khí hậu nóng lên toàn thế giới. Giai đoạn từ tháng 06 đến tháng 08 đã ghi nhận thời tiết nóng kỷ lục. Các đợt nắng nóng xảy ra trên khắp Trái Đất - từ Nhật Bản đến nước Mỹ.

Theo Thỏa thuận Paris được ký kết năm 2015, sự tăng nhiệt độ của thế giới phải được duy trì ở mức 1,5 độ C. Đây là mức được xem là để đảm bảo khí hậu không biến đổi vượt ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay thì nhiệt độ đã tăng 1,2 độ C - mức chạm ngưỡng báo động.

Duy Lộc (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/nam-2023-co-the-tro-nen-nong-hon-nua-sau-vu-phun-trao-nui-lua-o-thai-binh-duong-d182743.html