Thế giới

Thân nhân kể về lính Ấn Độ chết trong ẩu đả với Trung Quốc

Các binh sĩ Ấn Độ chết trong trận ẩu đả hồi tháng trước không được vũ trang, bị bao vây bởi lực lượng Trung Quốc áp đảo trên sườn núi.

Một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ ẩu đả chết người hôm 15/6 vì bị đinh đâm vào cổ họng, cha nạn nhân cho biết được đồng đội của con kể lại. Một số binh sĩ khác chết khi ngã xuống dòng nước băng giá của sông Galwan, phía tây dãy Himalaya, đồng đội kể lại cho thân nhân của những người lính thiệt mạng.

20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong trận hỗn chiến hồi giữa tháng 6 trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), được coi là biên giới ngăn các lực lượng Ấn - Trung. Các binh sĩ thiệt mạng đều thuộc trung đoàn Bihar 16 của lục quân Ấn Độ được triển khai ở khu vực Galwan.

Không một phát súng nổ, nhưng đó là thiệt hại sinh mạng lớn nhất trong các vụ đụng độ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân kể từ năm 1967, khi tranh chấp biên giới bùng lên thành cuộc chiến đẫm máu.

Thân nhân của 5 binh sĩ Ấn Độ cung cấp giấy chứng tử liệt kê thương tích khủng khiếp mà những binh sĩ này hứng chịu trong cuộc đụng độ kéo dài 6 tiếng ở độ cao hơn 4.200 m, giữa những ngọn núi xa xôi và cằn cỗi.

Các bệnh viện quân sự ở Ladakh từ chối bình luận về nguyên nhân cái chết và cho biết đã chuyển thi thể những binh sĩ thiệt mạng trong vụ ẩu đả cùng giấy chứng tử cho thân nhân của họ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa trả lời yêu cầu bình luận về vụ đụng độ hôm 15/6.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại tuyên bố đổ lỗi cho Ấn Độ vượt qua LAC và khiêu khích lực lượng nước này. "Khi các binh sĩ Trung Quốc tới nơi để đàm phán, họ bị lính Ấn Độ tấn công dữ dội. Đúng và sai trong việc này rất rõ ràng. Trung Quốc hoàn toàn không chịu trách nhiệm", phát ngôn viên này nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc không cung cấp bằng chứng việc Ấn Độ gây hấn. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Thân nhân kể về lính Ấn Độ chết trong ẩu đả với Trung Quốc
Binh sĩ Ấn Độ (quân phục xanh đậm) và Trung Quốc (quân phục nâu vàng) diễn tập cứu hộ cứu nạn ở vùng Chushui-Moldo, khu vực Ládakh, tháng 2/2016. Ảnh: PTI.

Ba trong số các binh sĩ Ấn Độ chết vì "thủng động mạch cổ", hai người khác bị chết do vết thương kéo dài trên đầu do "vật sắc nhọn" gây ra, trên cổ và trán họ có nhiều thương tích thấy được, theo giấy chứng tử.

"Đó là trận hỗn chiến không luật lệ, họ đánh nhau với bất cứ thứ gì trong tầm tay như gậy gộc, gạch đá và thậm chí là tay không", một quan chức Ấn Độ cho biết.

Giới chức Ấn Độ cho biết Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc hành động có chủ đích, song không cung cấp báo cáo đầy đủ về vụ đụng độ khiến quốc gia Nam Á choáng váng và làm bùng phát cơn thịnh nộ toàn quốc với Trung Quốc.

Trung Quốc bác lời một bộ trưởng Ấn Độ cho rằng 40 binh sĩ thuộc Chiến khu phía Tây của PLA triển khai ở Galwan chết trong vụ ẩu đả. Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông cho biết cả hai phía có thương vong khi trả lời báo chí và đăng tin trên trang web của đại sứ quán.

"Quân đội Ấn Độ bất ngờ tấn công dữ dội vào binh sĩ Trung Quốc, những người tham gia đàm phán, gây ra ẩu đả và thương vong cho cả hai phía", Tôn Vệ Đông cho biết.

Giới chức Ấn Độ cho biết ẩu đả nổ ra khi sĩ quan chỉ huy thuộc trung đoàn Bihar dẫn một toán quân nhỏ tới Mốc tuần tra 14 (PP-14) để xác minh liệu Trung Quốc có thực hiện cam kết rút quân và phá hủy các công trình họ dựng ở đó hay không.

Tuy nhiên, nhóm binh sĩ Ấn Độ bị lính Trung Quốc dùng gậy sắt hàn đinh và gậy gỗ đóng đinh tấn công tại dải đất hẹp rộng 4 m, hướng ra phía sông Galwan.

Thân nhân kể về lính Ấn Độ chết trong ẩu đả với Trung Quốc - 1
Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. Đồ họa: Telegraph.

Trong những tuần gần đây, hai quốc gia đông dân nhất thế giới điều lực lượng tăng viện tới khu vực dọc theo LAC dài 3.488 km. Tình trạng thù địch gần đây trở thành đấu khẩu ngoại giao và đối đầu thương mại.

Khả năng binh sĩ Ấn Độ không vũ trang bị áp đảo bởi lực lượng đông hơn nhiều tiếp tục thổi bùng cơn thịnh nộ nhằm vào Trung Quốc, đồng thời đặt ra câu hỏi tại sao những người lính này được điều tới khu vực tiền tuyến căng thẳng mà không được trang bị vũ khí.

"Làm thế nào Trung Quốc dám sát hại những người lính không vũ trang của chúng ta? Tại sao những người lính của chúng ta hy sinh mà tay không vũ khí?", chủ tịch đảng Quốc đại đối lập Rahul Gandhi đăng trên Twitter và yêu cầu chính phủ Ấn Độ công bố báo cáo đầy đủ.

Thân nhân của một binh sĩ đi cùng đại tá Santosh Babu, sĩ quan chỉ huy, tới nơi lính Trung Quốc dựng hai lều bạt cho biết các thành viên đội tuần tra của Ấn Độ không được vũ trang. Họ đối mặt với một nhóm nhỏ lính Trung Quốc, một trận cãi vã xảy ra quanh những chiếc lều bạt và một tháp quan sát nhỏ.

Các quan chức Ấn Độ cho biết binh sĩ nước này phá hủy tháp quan sát và lều bạt của Trung Quốc. Sau đó không lâu, binh sĩ Ấn Độ bị lực lượng lớn của Trung Quốc ném đá và tấn công bằng vũ khí sắc nhọn, thân nhân ba binh sĩ nhắc lại lời những đồng đội sống sót.

Một số binh sĩ rút lui về an toàn bằng đường vòng trong bóng tối, nhưng họ không thấy sĩ quan chỉ huy và quay lại rồi bị tấn công, thân nhân của bốn binh sĩ cho biết. Babu là một trong số các binh sĩ thiệt mạng trong trận hỗn chiến, chính phủ Ấn Độ xác nhận.

Một trong các binh sĩ được triển khai tại khu vực nói đội tuần tra của Ấn Độ bị PLA áp đảo. "Phía Trung Quốc có số quân áp đảo tuyệt đối lực lượng của chúng tôi", binh sĩ này nói và cho biết đã nghe được yêu cầu tiếp viện được gửi qua sóng vô tuyến đến bộ chỉ huy ở vùng Ladakh.

Thân nhân của ba binh sĩ thiệt mạng cho biết những người lính đưa các thi thể về nói một số binh sĩ bị đẩy xuống dòng Galwan chảy xiết. Một quan chức chính phủ Ấn Độ nói thi thể một số binh sĩ được vớt từ sông Galwan vào sáng 16/6, vài người chết vì bị hạ thân nhiệt.

Theo Nguyễn Tiến (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/than-nhan-ke-ve-linh-an-do-chet-trong-au-da-voi-trung-quoc-4126113.html