Thế giới

Vì sao những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tồn tại những giáo phái gieo rắc kinh hoàng cho người dân, thậm chí còn xuất hiện cả ở Việt Nam

Tôn giáo hay đạo tín ngưỡng từ xưa đến nay luôn là chủ đề nhạy cảm ở nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia phát triển. Chỉ đến khi một số giáo phái gây ảnh hưởng đến chính trị, hoặc chính quyền thấy được những mặt trái trong việc hoạt động, họ mới bắt đầu can thiệp để vạch trần những mặt tối của những “tà giáo” này.

Vụ án giáo phái khủng bố vũ khí hóa học khuấy đảo Nhật Bản

Tự nhận đấng cứu thế, gánh vác vận mệnh nhân loại hậu tận thế, Asahara Shoko lập giáo phái, sản xuất vũ khí hóa học, gây hại cho hàng nghìn người vào năm 1995.

Vì sao những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tồn tại những giáo phái gieo rắc kinh hoàng cho người dân, thậm chí còn xuất hiện cả ở Việt Nam
Shoko Asahara (trái), thủ lĩnh của Aum Shinrikyo, đi dạo với một trợ lý thân cận trên đường phố Tokyo. Ảnh: The Hindu

Shoko Asahara, 63 tuổi, tên thật là Chizuo Matsumoto, sinh ra ở tỉnh Kumamoto trong gia đình nghèo khó có 7 người con. Vì mắt trái hầu như không nhìn thấy gì trong khi mắt phải gặp các vấn đề về thị lực, Asahara được gửi đến một ngôi trường dành cho người khiếm thị ở Kumamoto. Sau khi trượt đại học, y mở một hiệu thuốc ở tỉnh Chiba nhưng bị bắt vào năm 1982 vì bán thuốc trái phép. Y kết hôn năm 1978 và có 6 người con.

Năm 1984, Asahara thành lập nhóm tiền thân có tên Aum Shinsen no Kai, chuyên dạy yoga. Ba năm sau, nhóm này được đổi tên thành Aum Shinrikyo. Giáo phái Aum là một tà giáo tôn thờ các giáo lý về ngày tận thế. Trong thời kỳ đỉnh cao, giáo phái này đã thu nạp được 10.000 thành viên cả trong nước và ngoài nước, trong đó một số là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu Nhật Bản. Thậm chí, tổ chức này còn được coi như một giáo phái chính thức tại Nhật Bản chỉ sau 2 năm thành lập.

Nhiều tín đồ trẻ đã cắt đứt quan hệ với gia đình và bắt đầu đến sống tại các cơ sở của Aum Shinrikyo, quyên góp tiền, đồ đạc cho Asahara. Nhiều người trẻ tuổi có chuyên môn về khoa học được giữ các chức vụ lãnh đạo trong giáo phái. Asahara cũng tham gia chính trị, nhưng y thất bại trong cuộc bầu cử năm 1990 vào Hạ viện. Các công tố viên cho rằng, thất bại này là điều thúc đẩy Asahara thực hiện âm mưu giết hại người dân để trả thù khi sản xuất hàng loạt chất độc thần kinh sarin.

20/3/1995 là ngày xuân đẹp trời. Sakahara Atsushi, một giám đốc truyền thông trẻ tuổi đang đến tàu điện ngầm Tokyo để đi làm. Anh thấy ghế trống cạnh một ông già đang cầm một túi nilon bọc giấy báo đang nhỏ giọt xuống sàn, định ngồi xuống nhưng bị ông ta xua đuổi.

Sakahara đành đi sang toa kế bên, bỗng cảm thấy không khỏe. Mắt anh bị đau rát và không khí đầy mùi lạ. Nhìn lại phía sau, Sakahara thấy ông lão dường như lên cơn động kinh, được hành khách đưa ra ngoài.

Cả ngày hôm đó, anh luôn mệt mỏi, còn mọi thứ trước mắt tối sầm. Sakahara tưởng văn phòng bị cúp điện, nhưng hóa ra vấn đề là ở mắt mình. Đồng nghiệp hốt hoảng thấy sếp với đôi mắt đỏ ngầu, giục anh tới bệnh viện.

Vì sao những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tồn tại những giáo phái gieo rắc kinh hoàng cho người dân, thậm chí còn xuất hiện cả ở Việt Nam - 1
Khung cảnh hỗn loạn gần ga tàu điện sau vụ khủng bố hóa học bằng sarin, ngày 20/3/1995. Ảnh: NBC

Sakahara tới bệnh viện gần nhất và choáng váng trước những gì thấy ở đó. "Nó giống như một bệnh viện chiến tranh", Sakahara sau này nhớ lại. Những người bị thương nằm la liệt khắp nơi, một số bị chảy máu mắt và mũi, một số bị co giật và nhiều người bất tỉnh.

Tổng cộng hôm đó, trên chuyến tàu Sakahara đi có 13 người chết, và hơn 5.000 người bị thương, tàn tật suốt đời. Không lâu sau, cảnh sát Nhật Bản bắt đầu kết nối những dữ liệu và tìm ra thủ phạm Aum Shinrikyo, một giáo phái bí mật, do Asahara Shoko làm thủ lĩnh.

Không chỉ khét tiếng với các vụ khủng bố tàu điện ngầm ở Tokyo, khiến 13 người thiệt mạng và 6.252 người bị thương, cảnh sát Nhật Bản còn phát hiện, một trong những hoạt động thường xuyên hơn của Aum là bắt cóc và đe dọa các chính trị gia, đặc biệt những người bất đồng với Aum.

Asahara bị bắt vào tháng 5-1995 và phiên tòa xử y bắt đầu từ tháng 4-1996. Tháng 2-2004, Tòa án quận Tokyo đã phán quyết Asahara phạm tất cả 13 tội bị truy tố và kết án tử hình. Theo luật Nhật Bản, tử tù được hoãn thi hành án nếu đồng phạm vẫn đang bị xét xử. Khoảng 190 người đã bị truy tố các tội liên quan đến giáo phái Aum. Bản án tử hình Asahara được thi hành sau khi loạt phiên tòa xử các thành viên Aum kết thúc sau hơn 20 năm xét xử, với lần kết án cuối cùng diễn ra vào tháng 1-2018.

Vì sao những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tồn tại những giáo phái gieo rắc kinh hoàng cho người dân, thậm chí còn xuất hiện cả ở Việt Nam - 2
Một góc nhà máy sản xuất khí độc thần kinh Sarin của giáo chủ Shoka Asahara, giáo phái khải huyền Aum Shinrikyo. Ảnh nguồn: Getty Images.

Những biến tướng của Pháp luân công

Xuất phát điểm từ việc tập luyện khí công dưỡng sinh, nhiều người đã tu tập Pháp luân công một cách sai lệch, tôn vinh như một thứ tôn giáo khiến nảy sinh nhiều biến tướng, gây thiệt hại đến bản thân và xã hội.

Theo thông tin từ Hiệp hội chống tà giáo Trung Quốc, vào đầu thập niên những năm 1990 của thế kỷ 20, tại một số địa phương ở Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng tu tập Pháp luân công một cách sai lệch và biến chứng thành tà giáo.

Theo đó, những người tu luyện đã thực hiện một cách quá cực đoan việc khống chế tinh thần, tổ chức hàng loạt hoạt động tu luyện phi pháp gây hại ở nhiều nơi tại Trung Quốc.

Vì sao những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tồn tại những giáo phái gieo rắc kinh hoàng cho người dân, thậm chí còn xuất hiện cả ở Việt Nam - 3
Bìa sách Tà giáo: Sự thật sau khi bị tẩy não (tác giả Mỹ Rick Alan Ross). Ảnh chụp màn hình.

Nhiều báo chí nước này nhận định tác hại chính của Pháp luân công “biến tướng” là: xâm phạm nhân quyền, gây hại tới tính mạng. Cũng bởi phương pháp tu luyện quá khống chế tinh thần, mà hơn 1.000 người luyện tập đã chết do tin tưởng vào việc “có bệnh không cần uống thuốc, chỉ kiên trì luyện tập là khỏi”.

Hàng trăm người luyện tập cuồng tín tới mức tự hủy hoại bản thân, thậm chí dẫn đến tự sát. Hơn 30 người vô tội không tham gia tập Pháp luân công cũng bị những kẻ luyện tập cuồng tín sát hại.

Theo thống kê của báo chí Hoa ngữ, nhóm cuồng tín tu tập Pháp luân công đã thực hiện những hành vi phá hoại xã hội, xâm phạm quyền lợi chính đáng của dân chúng như phá hoại các thiết bị phát thanh truyền hình công cộng, vệ tinh thông tin, thực hiện các hoạt động gọi điện thoại phá rối, hù dọa với tần suất nhiều, số lượng lớn, thông qua mạng Internet để gửi thư rác…

Báo chí nước này cũng chỉ trích các nhóm cực đoan của Pháp luân công tấn công ác ý vào những cá nhân hoặc tập thể có ý kiến khác không thống nhất với lý tưởng của Pháp luân công, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân.

Tân Thiên Địa: Khi giáo chủ là người “bất tử”

Giáo phái Tân Thiên Địa được ông Lee Man Hee, thành lập năm 1984. Trong tiếng Hàn, Tân Thiên Địa (Shincheonji) có nghĩa là "Thiên đường và Trái đất mới". Trên trang web chính thức, giáo phái này tự mô tả mình là "Vương quốc và đền thờ duy nhất của Thiên Chúa trên Trái đất", cam kết sẽ làm theo ý muốn của Chúa Jesus "bằng cách hy sinh thân xác của chúng ta như một ngọn nến".

Tân Thiên Địa tuyên bố ông Lee đã mặc áo choàng của Chúa Jesus và sẽ đưa 144.000 người cùng ông lên thiên đường vào ngày phán xét. "Các tín đồ của Tân Thiên Địa tin rằng, ông Lee Man Hee là người sống bất tử", chuyên gia Ji-​il Tark tại Đại học Busan Presbyterian ở Hàn Quốc, nói với AP.

Vì sao những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tồn tại những giáo phái gieo rắc kinh hoàng cho người dân, thậm chí còn xuất hiện cả ở Việt Nam - 4
Giáo chủ Tân Thiên Địa Lee Man-hee. Ảnh: Reuters.

"Để truyền bá niềm tin của mình, họ thường tiếp cận người thân và người quen hoặc lén lút đến các nhà thờ khác mà không nói rằng họ là thành viên Tân Thiên Địa". Theo AFP, giáo phái này âm thầm chiêu mộ tín đồ mới bằng cách phái các thành viên đến những hội thánh Tin Lành chính thống, các nhà thờ Kito giáo chính thống và cố gắng thuyết phục các tín đồ Tin lành và Kito giáo. Chính chiến thuật này khiến nhiều nhà thờ Kito giáo, Tin lành - Hàn Quốc đưa ra cảnh báo không cho phép họ vào. Các tín đồ của Tân Thiên Địa được cho là thường bí mật đi thuyết phục mọi người cải đạo và không tiết lộ danh tính. Điều này khiến việc xác định mối liên hệ giữa họ với nhau trở nên rất khó khăn, theo hãng tin NPR.

Cựu thành viên Tân Thiên Địa Duhyen Kim nói với đài CNN: "Nguyên tắc ở Tân Thiện Địa là dù bị ốm thì tín đồ vẫn phải đi lễ vào ngày chủ nhật. Nếu bệnh nặng không thể đến vào chủ nhật, thành viên đó phải đến vào ngày thứ hai hoặc thứ ba để bù vào thời gian trước".

Tài liệu nội bộ năm 2017 do các cựu thành viên trong giáo phái cung cấp cho đài CNN cho biết Tân Thiên Địa có 8 chi nhánh tại Mỹ, trong đó nhánh lớn nhất ở TP Los Angeles với hơn 1.000 thành viên, ngoài ra còn hàng chục nhánh nhỏ khác ở Trung Quốc. Theo ông Tark Ji-il, nhiều nhà thờ của các giáo hội chính thống đã thông báo không chào đón các thành viên của Tân Thiên Địa nhằm ngăn họ chiêu mộ thành viên mới.

Hồi giữa tháng 1/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, hàng ngàn thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa đã tham gia một cuộc họp mặt thường niên ở Gwacheon, nơi đặt trụ sở của giáo phái, gần thủ đô Seoul. Tân Thiên Địa chỉ bị cho là có liên quan đến virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) khi chính quyền Hàn Quốc thông báo ca nhiễm số 31 vào ngày 18-2 là một tín đồ của giáo phái này.

Vì sao những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tồn tại những giáo phái gieo rắc kinh hoàng cho người dân, thậm chí còn xuất hiện cả ở Việt Nam - 5
Các tín đồ Tân Thiên Địa tham dự lễ tại TP Gwacheon - Hàn Quốc hồi tháng 1/2020. Ảnh: JON JON TV

Liên quan đến vụ việc, tháng 8/2020, tòa án quận Suwon đã phát lệnh bắt giữ đối với Lee Man-hee, giáo chủ của Tân Thiên Địa. Vị giáo chủ đã bị tòa tuyên án 3 năm tù treo cho 2 tội danh biển thủ 5,6 tỷ won từ quỹ của giáo hội để sử dụng cho mục đích cá nhân và sử dụng các cơ sở của chính quyền địa phương để tổ chức các hoạt động tôn giáo khi chưa được phép, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019.

Theo truyền thông Hàn Quốc, tính đến giữa tháng 7/2020, Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 13.700 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 5.000 trường hợp liên quan đến giáo phái này. 

Từng xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2016 tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, sau khi bị chính quyền xử phạt vi phạm, đến nay “Tân Thiên Địa”, giáo phái được cho làm gia tăng số người chết vì dịch Covid-19 tại Hàn Quốc hiện không còn tụ điểm hoạt động tại Việt Nam.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, “Tân Thiên Địa” vào Việt Nam từ năm 2016, thông qua số người Hàn Quốc sang Việt Nam dạy tiếng Hàn tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, đã sử dụng nhiều phương thức hoạt động để phát triển đạo.

Trong khi đó, pháp luân công không phải là tổ chức tôn giáo, chưa được  Nhà nước cho phép hoạt động. Hành vi tán phát tài liệu pháp luân công là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm g, khoản 4, Điều 29 Nghị định 119/2020 của Chính phủ về hành vi “vi phạm về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm”.

Đã có rất nhiều tỉnh, thành phố phát hiện và đưa ra xét xử những vụ án liên quan đến việc tuyên truyền hoặc truyền bá văn hóa phẩm liên quan đến tổ chức tôn giáo này.

Tổng hợp

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-nhung-quoc-gia-phat-trien-nhu-nhat-ban-han-quoc-van-ton-tai-nhung-giao-phai-gieo-rac-kinh-hoang-cho-nguoi-dan-tham-chi-con-xuat-hien-ca-o-viet-nam-d162671.html