Thế giới

WHO bị chỉ trích vì bỏ qua cảnh báo Covid-19 có thể lây truyền qua không khí

Nguy cơ Covid-19 lan truyền qua không khí vẫn còn bỏ ngỏ, sau khi WHO nhiều lần bỏ qua cảnh báo này, theo một nhóm các nhà khoa học.

Trong bức thư ngỏ được đăng tải tuần này, 239 nhà khoa học từ 32 nước kêu gọi nhìn nhận khả năng Covid-19 lan truyền qua đường không khí, đồng thời đề nghị chính phủ các nước có những biện pháp kiểm soát dịch bệnh thích hợp.

Hướng dẫn của WHO cho rằng virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc và giọt bắn hô hấp. Lây truyền qua aerosol bao gồm các hạt nhỏ li ti tồn tại trong không khí trong một khoảng thời gian dài, và có thể truyền mầm bệnh qua khoảng cách lớn hơn một mét.

Thành viên ủy ban phòng ngừa bệnh truyền nhiễm của WHO cho rằng lây truyền aerosol dù có thể đóng vai trò trong lây nhiễm Covid-19 nhưng đại số bằng chứng cho thấy đường lây truyền chủ yếu là thông qua tiếp xúc trực tiếp và giọt bắn hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói.

WHO nói việc đưa ra những biện pháp để ngăn ngừa lây truyền aerosol là không thực tế và khó đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

WHO bị chỉ trích vì bỏ qua cảnh báo Covid-19 có thể lây truyền qua không khí
Ảnh minh họa: Xinhua

Trong thư ngỏ sẽ được đăng tải trên tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Lâm sàng, các tác giả Lidia Morawska thuộc Đại học Công nghệ Queensland và Donald Milton thuộc Đại học Maryland đã nhận được sự ủng hộ của hơn 200 nhà khoa học, trong đó có những người trực tiếp tham gia cùng WHO đưa ra những lời khuyên về phòng chống Covid-19.

Các tác giả cho rằng những bằng chứng thu thập được mới đây, bao gồm dữ liệu từ các đợt bùng phát liên quan tới những địa điểm như cơ sở chế biến thịt, cho thấy lây truyền Covid-19 qua đường công khí có thể quan trọng hơn những gì mà WHO nhìn nhận.

Linsey Marr, chuyên gia virus lây truyền qua đường không khí tại Đại học Công nghệ Virginia cùng một nhà khoa học khác ủng hộ nghiên cứu nói trên cho New York Times biết rằng WHO đã dựa vào nghiên cứu từ các bệnh viện cho thấy số lượng virus tồn tại trong không khí là không cao.

Điều này khiến các nguy cơ không được đánh giá đúng thực tế, bởi tại hầu hết các tòa nhà, "tỷ lệ thay đổi không khí mỗi giờ thấp hơn rất nhiều, khiến virus có thể tích tụ trong không khí".

"Hiện tại các nghiên cứu đang được thực hiện để làm rõ vấn đề này," WHO cho biết.

Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học Đông Anglia và là một thành viên ủy ban phòng chống bệnh truyền nhiễm của WHO cho rằng tổ chức này đã đưa ra lời khuyên hợp lý.

"Lây truyền aerosol có thể xảy ra, nhưng dường như không quan trọng nếu xét tới mọi mặt của vấn đề. Quan trọng nhất vẫn là giọt bắn. Kiểm soát lây truyền qua không khí không giúp được gì nhiều trong phòng chống Covid-19, nhưng sẽ mang lại gánh nặng không đáng có, nhất là ở các nước chưa có đội ngũ y tế được đào tạo bài bản, hay sẵn có các tài nguyên cần thiết," ông Hunter nói.

Nếu lây truyền qua đường không khí được đánh giá là quan trọng, một số chuyên gia cho rằng người dân vùng dịch cần đeo khẩu trang khi ở trong nhà, ngay cả khi đảm bảo giãn cách xã hội, đồng thời nhà chức trách cũng cần những quy định nghiêm ngặt hơn về các hệ thống thông gió và điều hòa ở các tòa nhà, để hạn chế tối đa không khí xoay vòng.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt hệ thống đèn tia cực tím tại một số tòa nhà cũng có thể có tác dụng ngăn cản mầm bệnh.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)