Gia đình

4 cách chữa trị tiêu chảy tại nhà

Người bị tiêu chảy cần được bổ sung nước, chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thuốc có khả năng bảo vệ niêm mạc ruột...

Bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày, các triệu chứng: nôn, mất nước, rối loạn điện giải.  

Ở các nước đang phát triển, tiêu chảy là bệnh phổ biến ở trẻ em, là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong cho trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, ở các n­ước này hàng năm có tới 1,3 tỷ lượt trẻ em bị tiêu chảy và 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì tiêu chảy. Trong đó 80% tử vong xảy ra ở trẻ d­ới 2 tuổi.

Người bị tiêu chảy không chỉ bị mất nước mà còn mất chất điện giải, chất khoáng như kali và natri. Đó là những chất quan trọng trong các hoạt động của cơ thể. Do vậy, người bệnh cần được bù đắp bằng cách uống nước đun sôi để nguội, uống nước cháo, nước gạo rang, nước cơm… để nâng cao hiệu quả bù nước và chất điện giải cho cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý 

Nhiều bà mẹ ngộ nhận ăn vào sẽ làm tiêu chảy nặng hơn nên cắt khẩu phần ăn khi chồng con bị tiêu chảy. Đây là quan điểm sai lầm. Vì cơ thể người bệnh vẫn cần được cung cấp các dưỡng chất để có sức vượt qua bệnh. Nhịn ăn sẽ khiến cơ thể người bệnh thiếu chất dẫn đến suy nhược. 

Vì vậy, người bị tiêu chảy vẫn nên ăn uống đủ chất, ưu tiên các món mềm, loãng, dễ tiêu (cháo, súp...) và chia nhỏ bữa. Với trẻ còn đang bú mẹ, mẹ cần tiếp tục cho bú vì sữa mẹ cung cấp nước, điện giải, chất dinh dưỡng cùng những yếu tố chống bệnh tiêu chảy. 

Các loại thực phẩm có chứa tinh bột chẳng hạn như cơm, bột mì sẽ có tác dụng trong việc ngăn chặn và giảm hiện tượng tiêu chảy. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng, bánh mì nướng sẽ giúp giảm nhanh hiện tượng tiêu chảy. Bởi lẽ, nó giúp làm dịu bao tử, quá trình tiêu hóa của dạ dày, đồng thời bổ sung thêm năng lượng và carbonhydrate cho cơ thể. 

4 cách chữa trị tiêu chảy tại nhà
Người bị tiêu chảy vẫn nên ăn đủ chất để cơ thể không bị suy nhược.

Đảm bảo vệ sinh 

Tiêu chảy cấp là một bệnh của hệ tiêu hóa, mặc dù ban đầu tuy đơn giản, nhưng để lâu ngày bệnh tiêu chảy cấp trở thành nỗi lo ngại của nhiều người. 

Để phòng tránh, người bệnh và người chăm sóc cần thực hiện tốt việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 

Sử dụng thuốc chữa tiêu chảy có khả năng bảo vệ niêm mạc ruột

Niêm mạc ruột có vai trò quan trọng trong các hoạt động hấp thu chất dinh dưỡng, giúp cơ thể khỏe mạnh. Khi bị tiêu chảy, niêm mạc ruột rất dễ bị tổn thương, thậm chí bị phá hủy. Do đó, khi điều trị, việc bảo vệ niêm mạc ruột là cần thiết.

Trong trường hợp cần sử dụng thuốc, người bệnh nên chọn thuốc có chứa hoạt chất Diosmectite vừa chữa tiêu chảy hiệu quả, vừa giúp bảo vệ niêm mạc ruột, vừa hấp phụ các vi khuẩn, virus và độc tố trong đường ruột để thải ra ngoài giúp hết bệnh nhanh. 

Theo Ngọc Thi (VnExpress.net)