Gia đình

Hai bố con cùng mắc ung thư dạ dày, con mới 17 tuổi: Dấu hiệu cảnh báo bệnh 'nghèo nàn' dễ bỏ qua

Ung thư dạ dày có biểu hiện tương đồng với các bệnh lý dạ dày thường gặp, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn và chỉ được phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối.

Theo Trí Thức Trẻ dẫn lời bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K), cho biết trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã gặp không ít trường hợp có nhiều người trong gia đình cùng mắc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, ca bệnh mà bác sĩ ám ảnh nhất là trường hợp mắc ung thư dạ dày mới chỉ có 17 tuổi. Đây là độ tuổi còn quá trẻ đối với căn bệnh ung thư dạ dày.

Bệnh nhân 17 tuổi tới viện khám trong tình trạng có xuất huyết đường tiêu hoá. Trước đó, bệnh nhân đã khám tại y tế tuyến cơ sở, bác sĩ nghi ngờ ung thư nên đã khuyên bệnh nhân tới tuyến trên khám.

Hai bố con cùng mắc ung thư dạ dày, con mới 17 tuổi: Dấu hiệu cảnh báo bệnh 'nghèo nàn' dễ bỏ qua
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Theo bác sĩ Nam, khi xem kết quả khám của bệnh nhân 17 tuổi này, bác sĩ đã khá bất ngờ vì dạ dày có rất nhiều ổ loét. Trong đó, có ổ loét đã hình thành khối ung thư kích thước lớn.

Bác sĩ đã khuyên bệnh nhân nên nhập viện phẫu thuật cắt bỏ dạ dày và điều trị sớm.

"Khi hỏi thêm bệnh nhân thì tôi biết bố bệnh nhân nhiều năm trước cũng mất do mắc ung thư dạ dày khi 45 tuổi. Do vậy, chúng tôi suy đoán bệnh nhân 17 tuổi có yếu tố gen di truyền ung thư. Tuy nhiên, do bệnh nhân không có điều kiện làm giải trình gen nên chưa thể kết luận rõ ràng", bác sĩ Nam nói.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày giai đoạn đầu

Theo các chuyên gia, ung thư dạ dày diễn biến rất âm thầm, triệu chứng thường nghèo nàn, ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng và hầu hết được phát hiện khi các tế bào ung thư đã lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. 

Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, cần thận trọng kiểm tra bệnh lý định kỳ, tránh tình huống xấu chuyển hóa thành ung thư.

Tuy vậy, người bệnh cần chú ý đi kiểm tra sức khỏe ngay khi phát hiện một số dấu hiệu ung thư dạ dày sau:

Sụt cân: Đây là một trong những triệu chứng cơ bản khi mắc bệnh ung thư dạ dày. Tình trạng sụt cân xảy ra nhanh chóng khi bệnh bước sang giai đoạn tiến triển, thậm chí có thể giảm đến 15% trọng lượng cơ thể chỉ trong vòng 3 tháng.

Đau bụng: Bắt đầu với những cơn đau từng đợt, tuy nhiên, tình trạng đau bụng sẽ càng trở nên trầm trọng khi người bệnh bước sang những giai đoạn sau của bệnh ung thư dạ dày, thậm chí dùng thuốc cũng không thuyên giảm..

Hai bố con cùng mắc ung thư dạ dày, con mới 17 tuổi: Dấu hiệu cảnh báo bệnh 'nghèo nàn' dễ bỏ qua - 1

Chán ăn: Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày, đi kèm với nó là hiện tượng khó nuốt, cảm giác thức ăn luôn bị tắc nghẽn ở cổ họng.

Đầy bụng sau khi ăn: Người bệnh thường có cảm giác đầy bụng, khó chịu và buồn nôn sau khi ăn.

Nôn ra máu: Khi xuất hiện hiện tượng nôn ra máu thường xuyên, chúng ta cũng cần phải suy xét về khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày.

Đi ngoài phân đen: Hầu hết triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những người mặc bệnh viêm loét dạ dày như một dấu hiệu nhận biết bệnh có thể đã chuyển hóa thành ung thư.

Về cơ bản, những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày gần giống với những bệnh lý dạ dày khác, vì vậy, bệnh nhân thường có tâm lý chủ quan, chỉ đi khám khi bệnh chuyển biến nghiêm trọng.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày

- Người có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày, như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Theo thống kê, những người trong gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày có nguy cơ mắc ung thư này cao gấp 4 lần so với đối tượng khác.

- Những người có viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc đều có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày. Hay những người bị viêm dạ dày mạn tính, có nhiều dị sản ruột cũng có nguy cơ phát triển thành ung thư dạ dày cao hơn.

- Những người bị hội chứng đa polip tuyến có tính chất gia đình, những polip này rất dễ trở thành ác tính.

- Người có tiền sử nhiễm HP dạ dày: Các nghiên cứu cho thấy có từ 35 - 90% bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày có liên quan tới nhiễm khuẩn HP.

Hai bố con cùng mắc ung thư dạ dày, con mới 17 tuổi: Dấu hiệu cảnh báo bệnh 'nghèo nàn' dễ bỏ qua - 2

- Người bị cắt dạ dày, dịch mật trào ngược gây viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tiến triển thành ung thư dạ dày.

- Người có thói quen ăn uống các thực phẩm chứa nhiều nitrat như ngũ cốc mốc, thịt hun khói, thực phẩm ướp nhiều muối. Khi vào dạ dày, các nitrat sẽ phản ứng với các amin tạo thành các nitrosamine, làm tăng nguy cơ gây ung thư.

Phòng ngừa ung thư dạ dày

- Duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.

- Hạn chế ăn đồ ăn mặn, ăn cay…

- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên

- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích

- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Giữ tâm lý thoải mái, giảm các căng thẳng của cuộc sống.

- Đối với những bệnh nhân có viêm loét, viêm teo dạ dày cần phải điều trị dứt điểm.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/hai-bo-con-cung-mac-ung-thu-da-day-con-moi-17-tuoi-dau-hieu-canh-bao-benh-ngheo-nan-de-bo-qua-tintuc828425