Gia đình

Vì sao không nên để điện thoại ở gần giường khi ngủ?

Nhiều người đang giữ thói quen để điện thoại ngay đầu giường khi đi ngủ vì sự tiện lợi. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nó không hề tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể khiến bạn gặp tai nạn.

Sự tiện lợi từ thói quen để điện thoại ngay đầu giường ngủ là khó phủ nhận. Nó giúp chúng ta thuận tiện hơn khi sạc điện thoại vào cuối ngày, cũng như cập nhật và xử lý những công việc của ngày mới nhanh hơn sau khi thức dậy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sức khỏe, thói quen này hoàn toàn không được khuyến khích.

Giảm chất lượng giấc ngủ

Trên chuyên trang Health, Giáo sư Mark Gurarie, đang giảng dạy tại Trường Khoa học Y tế và Sức khỏe của Đại học George Washington (Mỹ), cho biết có nhiều lý do khiến bạn phải cân nhắc khi đặt điện thoại thông minh cạnh đầu giường ngủ.

Cụ thể, để điện thoại trên đầu giường có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của chúng ta. Ánh sáng màn hình của điện thoại có thể là lý do khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.

Vì sao không nên để điện thoại ở gần giường khi ngủ?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại di động có thể gây ức chế quá trình sản xuất melatonin, loại hormone khiến chúng ta buồn ngủ. Thông thường, nồng độ melatonin sẽ tăng trước khi đi ngủ nhưng ánh sáng xanh sẽ ngăn chặn quá trình này.

"Hệ quả là bạn sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn vì cơ thể không còn buồn ngủ như bình thường", Giáo sư Gurarie nói rõ.

Một đánh giá công bố vào năm 2018 cũng chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại trong vòng 1-2 giờ trước khi đi ngủ sẽ tác động tiêu cực đến quá trình đi ngủ tự nhiên của cơ thể, đặc biệt là với trẻ em.

Gây nguy hiểm cho sức khỏe do bức xạ

Thông thường, điện thoại di động phát ra bức xạ do tín hiệu truyền ở tần số khoảng 900 MHz. Do đó, việc điện thoại di động gần đầu trong thời gian dài có thể dẫn đến đau đầu, đau cơ và các vấn đề sức khỏe phức tạp khác, theo Pulse.

Mặc dù mọi người có xu hướng giữ điện thoại gần mình trong lúc ngủ vì những lý do khác nhau, tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn luôn tốt hơn cảm giác phải hối tiếc về những chuyện xảy ra ngoài ý muốn và có thể tránh được.

Vì sao không nên để điện thoại ở gần giường khi ngủ? - 1

Làm cháy gối

Một số lượng lớn người dùng điện thoại di động gắn bó với “dế yêu” khắng khít đến mức họ ngủ với chiếc điện thoại để ngay dưới gối. Hậu quả của thói quen này là những vụ cháy gối gây nguy hiểm đến tính mạng.

Vụ tai nạn thuộc loại này xảy ra vào tháng 7.2014 ở bang Texas (Mỹ). Một thiếu nữ thức dậy và ngửi thấy mùi khét. Tấm drap giường và nệm của cô đã bị cháy xém và “thủ phạm” gây ra vụ việc chính là chiếc điện thoại di động nằm dưới gối của cô, theo Pulse.

Những thay đổi nhằm cải thiện giấc ngủ

Có những lý do để không để điện thoại trong phòng ngủ và bạn có thay đổi để cải thiện chất lượng giấc ngủ hơn bằng những cách dưới đây.

Để điện thoại ở xa: Đặt điện thoại ở vị trí xa giường ngủ và tốt nhất là ở ngoài phòng ngủ. Thông thường, sẽ không có gì khẩn cấp đến mức không thể chờ đến sáng hôm sau. Bằng cách để điện thoại ở xa bản thân, bạn sẽ đảm bảo được chất lượng giấc ngủ hơn.

Vì sao không nên để điện thoại ở gần giường khi ngủ? - 2

Dùng đồng hồ báo thức: Hãy dùng một chiếc đồng hồ báo thức thực sự thay vì cài chuông báo thức trên điện thoại. Nhờ đó, bạn không lo bị trễ giờ làm và giấc ngủ cũng không bị gián đoạn bởi chuông thông báo từ điện thoại. Dùng đồng hồ báo thức giúp bạn cần phải ra khỏi giường để tắt nó và tỉnh táo hơn để bắt đầu một ngày mới.

Dành thời gian nghỉ ngơi trước khi ngủ: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng dùng điện thoại trước khi đi ngủ làm não bộ của bạn phải hoạt động liên tục và khó đi vào giấc ngủ. Bạn có thể dành thời gian này để cơ thể được nghỉ ngơi bằng việc đọc sách, nghe nhạc hoặc đi bộ. Hạn chế việc tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại trước khi ngủ sẽ giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Bạn nên đi ngủ khi cảm thấy buồn ngủ. Nếu bạn trằn trọc, khó ngủ hơn 20 phút vào ban đêm thì bạn nên thức dậy và làm điều gì đó thư giãn, quay lại giường khi cảm thấy buồn ngủ.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-khong-nen-de-dien-thoai-o-gan-giuong-khi-ngu-d166359.html