Thế giới

Trung Quốc chuẩn bị viết thư bác giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm

Một số nhà khoa học và dịch tễ học Trung Quốc cho rằng việc để các cơ quan tình báo truy tìm nguồn gốc đại dịch Covid-19 là hết sức không hợp lý, trong khi nhiều nhà nghiên cứu khác đang soạn thư gửi lên tạp chí Science để bác giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

"Việc đề nghị các đơn vị tình báo làm những công việc của giới khoa học là rất ngớ ngẩn," Zeng Guang, cựu trưởng dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc nói với tờ Global Times.

Trước đó, tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị các cơ quan tình báo nước này tăng cường nỗ lực điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, trong khi tình báo Anh cho rằng khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc là "có thể xảy ra".

Tờ Global Times cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "thuyết âm mưu" được các chính trị gia và truyền thông phương Tây thúc đẩy từ khi đại dịch bùng phát để tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc.

Tình báo phương Tây từng đánh giá rằng khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm nghiên cứu các chủng virus corona trên loài dơi là rất thấp, tuy vậy sau đó điều này đã được xem xét lại, và hiện này khả năng này lại được cho là "có thể xảy ra".

Trung Quốc chuẩn bị viết thư bác giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm

Nguồn tin gần gũi với nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO tiết lộ với Global Times rằng hiện chưa có bằng chứng nào được đưa ra cho giả thuyết kể trên.

Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc được cho là đang soạn thảo một bức thư gửi tới tạp chí Science để phản đối bức thư của 18 nhà nghiên cứu khác yêu cầu điều tra khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Trước đó, hôm 14/05, 18 nhà nghiên cứu đã gửi thư tới tạp chí Science, cho rằng giả thuyết virus SARS-COV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm cần được điều tra kỹ lưỡng hơn.

Báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO và Trung Quốc cho rằng khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "rất khó xảy ra", trong khi khả năng virus lây lan từ động vật sang người dễ xảy ra hơn.

Việc điều tra nguồn gốc dịch bệnh truyền nhiễm là hết sức khó khăn, dù là tìm hiểu ai là bệnh nhân đầu tiên, hay loài vật nào nhiễm bệnh đầu tiên. Tuy vậy điều quan trọng là xác minh các giải thuyết khác nhau để hiểu đường lây nhiễm của virus và làm thế nào để cắt đứt đường lây nhiễm đó, Zeng cho biết.

"Việc tìm hiểu xem virus có phải là rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay không dễ hơn nhiều so với điều tra lây nhiễm từ động vật sang người, bởi sẽ có những bằng chứng, chẳng hạn như nhân viên phòng thí nghiệm mắc bệnh, hay môi trường nhiễm virus," Zeng nói thêm.

Các chuyên gia WHO đã đánh giá hầu hết các giả thuyết kể trên trong chuyến thăm tới Viện Virus học Vũ Hán, nơi họ không tìm được bằng chứng nào. "Tôi đã nghĩ mọi chuyện đến đó là kết thúc," Zeng cho hay.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 31/05  cho rằng việc truy nguồn gốc Covid-19 cần được thực hiện bởi các nhà khoa học, không phải bởi cộng đồng tình báo. Bên cạnh đó, đây cũng là nỗ lực cần sự hợp tác của các bên.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)