Gia đình

Bị chảy máu cam, ngửa cổ hay nhét giấy vào mũi mới đúng? Hóa ra trước giờ chúng ta vẫn làm sai cách đấy

Khi bị chảy máu cam, nhiều người sẽ ngửa cổ lên cao, số khác lại lấy giấy mềm nhét vào lỗ mũi để ngăn máu chảy. Và cũng có một số người sẽ dùng cách bóp ở phần trên của sống mũi. Vậy cách làm nào mới đúng, được bác sĩ khuyến nghị sử dụng?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam, ngoài thời tiết hanh khô, tổn thương màng mũi và các yếu tố khác thì cũng có thể do khối u. Một số bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đã chia sẻ nguyên nhân chảy máu cam và cách cầm máu đúng cách, nhưng đồng thời cũng nhắc nhở rằng có một loại chảy máu cam có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vòm họng, nếu có triệu chứng này bạn nên đến bác sĩ để khám.

2 nguyên nhân chính gây chảy máu cam

Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Huang Dechang (Đài Loan) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sky Post rằng nguyên nhân gây chảy máu cam có thể chia thành 2 nhóm chính: toàn thân và cục bộ.

Các yếu tố toàn thân phổ biến bao gồm huyết áp cao, thuốc làm loãng máu, aspirin và các loại thuốc khác làm cho máu khó đông hoặc những người có vấn đề về đông máu, dễ bị chảy máu cam. Những yếu tố cục bộ (cơ địa) bao gồm thời tiết hanh khô, cảm lạnh, viêm xoang và các yếu tố khác như nhiễm trùng, dùng lực quá mạnh khi xì mũi gây thương tích hoặc khối u.

Bị chảy máu cam, ngửa cổ hay nhét giấy vào mũi mới đúng? Hóa ra trước giờ chúng ta vẫn làm sai cách đấy

Cách chính xác để ngăn chảy máu cam

Có nhiều cách khác nhau để ngăn chảy máu cam nhưng thường gặp nhất thì phải kể đến cách nâng cao đầu (ngửa cổ lên cao), bóp phần trên của sống mũi hoặc nhét giấy mềm vào lỗ mũi.

Bác sĩ Huang cho biết, việc nâng cao đầu có thể khiến máu mũi chảy ngược về khí quản hoặc phổi gây khó thở. Trong khi đó, phần trên của sống mũi là sụn cứng chứ không phải là vị trí chảy máu, không giúp cầm máu. Và giấy mềm "không đủ mạnh" để ngăn máu chảy, thậm chí, việc véo mũi còn đem lại hiệu quả tốt hơn.

Về vấn đề này, bác sĩ Huang nhắc nhở rằng nơi chảy máu nhiều nhất ở mũi là màng mũi, đầu tiên phải để người bị thương ngồi xuống, dùng tay véo vào vị trí 2 lỗ mũi rồi cúi đầu nhẹ cho đến khi máu ngừng chảy. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp chườm đá lạnh hoặc chườm túi hạ sốt lên vùng mặt, trán cũng sẽ giúp co mạch máu và giảm tình trạng chảy máu cam.

Bị chảy máu cam, ngửa cổ hay nhét giấy vào mũi mới đúng? Hóa ra trước giờ chúng ta vẫn làm sai cách đấy - 1

Chảy máu cam là dấu hiệu của ung thư vòm họng?

Bác sĩ Huang cho biết, nói chung, chảy máu cam là chỉ chảy máu màng mũi ở phía trước hốc mũi, mặc dù ung thư vòm họng sẽ có triệu chứng chảy máu cam nhưng do vòm họng nằm ở phía sau mũi nên thường máu cam do ung thư gây ra sẽ chảy ngược xuống và hòa vào nước bọt, xuất hiện trong nước bọt nên khác hẳn với chảy máu cam bình thường. Do đó, khi bị chảy máu cam, mọi người không nên quá lo lắng trước nguy cơ bị ung thư vòm họng.

Có ba yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh ung thư vòm họng, bao gồm di truyền từ gia đình, ăn thường xuyên các thực phẩm bảo quản (nhiều muối) và nhiễm EBV (Epstein-Barr). Nếu có các yếu tố nguy cơ cao thì nên đi xét nghiệm máu chỉ số ung thư vòm họng để kiểm tra kháng thể EBV.

Bị chảy máu cam, ngửa cổ hay nhét giấy vào mũi mới đúng? Hóa ra trước giờ chúng ta vẫn làm sai cách đấy - 2

Bác sĩ Huang chỉ ra rằng các triệu chứng của ung thư vòm họng giai đoạn đầu không rõ ràng, nhưng khi khối u to lên và xâm lấn, các triệu chứng sau có thể xảy ra, bạn nên đi khám để được kiểm tra:

- Nổi hạch cổ.

- Ngạt mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhầy mũi lẫn máu.

- Đau đầu, thường là nhức nửa đầu, âm ỉ cả ngày.

- Ù tai, mất nghe một bên do u làm tắc vòi nhĩ.

- Giảm hoặc mất thị lực, sụp mi, nhìn đôi.

- Có máu trong nước bọt, khó nuốt.

Tùy theo mức độ bệnh mà người bệnh có thể phải xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật. Bác sĩ Huang chỉ ra rằng tốc độ phát triển của ung thư vòm họng khá chậm, chẩn đoán và điều trị sớm cơ hội khỏi bệnh sẽ cao hơn.

Theo Golf (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluat.suckhoedoisong.vn/bi-chay-mau-cam-ngua-co-hay-nhet-giay-vao-mui-moi-dung-hoa-ra-truoc-gio-chung-ta-van-lam-sai-cach-day-162211508143033790.htm