Gia đình

Không phải cơm trắng, đây mới là 'thủ phạm' gây ra căn bệnh tiểu đường mà hàng triệu người Việt đang mắc

Nhiều quan điểm cho rằng ăn nhiều cơm trắng chính là lý do khiến tỷ lệ người bệnh đái tháo đường gia tăng và trẻ hoá. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ đích danh 'thủ phạm' hoàn toàn khác.

Theo Người lao động dẫn nguồn từ tờ South China Morning Post đưa tin hiện có khoảng 537 triệu người từ 20-79 tuổi trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường, chiếm 10,5% người dân trong độ tuổi này.

TS William Cefalu, làm việc tại Viện Tiểu đường, tiêu hóa và thận quốc gia Mỹ (NIDDK), trích dẫn từ tài liệu của Liên đoàn Tiểu đường quốc tế năm 2021: "Năm 2030, sẽ có khoảng 643 triệu bệnh nhân tiểu đường từ 20-79 tuổi; đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 783 triệu".

TS Cefalu cũng cho biết số ca mắc bệnh tiểu đường loại 2 khởi phát ở thanh niên ngày càng tăng.

Ở Mỹ, bệnh tiểu đường và các biến chứng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 7. Theo NIDDK, có khoảng 130.000 người Mỹ bị cắt bỏ chi vì căn bệnh này mỗi năm. Ở các nước có thu nhập thấp, tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều, đi kèm một loạt vấn đề.

Tại Việt Nam, vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh theo báo cáo của Hiệp hội tiểu đường thế giới IDF Diabetes Atlas, và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040.

Không phải cơm trắng, đây mới là 'thủ phạm' gây ra căn bệnh tiểu đường mà hàng triệu người Việt đang mắc
Máu kém lưu thông có thể gây ra các vết loét và có thể dẫn đến cắt cụt chi. Ảnh: Shutterstock

Dấu hiệu sớm cảnh báo mắc bệnh tiểu đường

Theo VnExpress dẫn lời các chuyên gia, việc nhận biết những dấu hiệu đầu tiên của tiểu đường là yếu tố quan trọng giúp điều trị bệnh hiệu quả.

Các vấn đề về insulin là căn nguyên của bệnh tiểu đường. Hormone insulin được sản xuất trong tuyến tụy, giúp cơ thể sử dụng lượng đường trong máu để tạo năng lượng. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh tiểu đường, lượng insulin sản xuất không đủ, hoặc các tế bào cơ thể không phản ứng với insulin.

"Khi chúng ta tăng cân, các tế bào bắt đầu kháng lại tác động của insulin. Kháng insulin là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình phát triển bệnh tiểu đường type 2", tiến sĩ Shirisha Avadhanula, bác sĩ nội tiết của Cleveland Clinic, cho biết.

1. Khát nước và tiểu nhiều

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là khát nước và đi tiểu nhiều. "Khi lượng đường trong máu tăng cao, thận mất nhiều giờ để lọc máu hơn, làm tăng sản xuất nước tiểu", bác sĩ Leong Choon Kit, Phòng khám Y tế Mission, cho biết.

Lượng đường dư thừa cũng kéo theo các chất lỏng khác, gây mất nước. Để bù lại, cơ thể sử dụng cảm giác khác để báo hiệu bạn phải bù nước.

2. Mệt mỏi

Người tiểu đường cũng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Khi không đủ insulin hoặc insulin hoạt động kém hiệu quả, lượng đường trong máu không thể đi vào các tế bào và được sử dụng làm năng lượng, tiến sĩ Seow Cherng Jye, chuyên gia tư vấn cấp cao của Khoa Nội tiết Bệnh viện Tan Tock Seng, nhận định. Kết quả, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.

"Mất nước do tiểu nhiều cũng dễ dẫn đến tình trạng này. Nhiều bệnh nhân tiểu đường type 2 bị tắc nghẽn, ngưng thở khi ngủ. Điều này góp phần gây mệt mỏi", ông nói.

Không phải cơm trắng, đây mới là 'thủ phạm' gây ra căn bệnh tiểu đường mà hàng triệu người Việt đang mắc - 1
Một người đang được kiểm tra lượng đường huyết. Ảnh: Pexel

3. Giảm cân

Một số bệnh nhân tiểu đường giai đoạn đầu bị giảm cân. Do cơ thể người bệnh không thể dùng lượng đường trong máu để làm năng lượng, nó chuyển sang sử dụng các nguồn nhiên liệu khác như chất béo và cơ bắp. Cùng với việc mất nước, điều này dẫn đến giảm cân và calo.

4. Mờ mắt

Lượng đường trong máu cao làm hỏng mạch máu, gây độc tố cho nhiều cơ quan, gồm võng mạc. Các mạch máu bị sưng và rò rỉ, có thể gây mờ mắt, thậm chí ngừng lưu thông máu đến võng mạc. Không chỉ vậy, lượng đường huyết dư thừa làm sưng thủy tinh thể. Theo bác sĩ Seow, tiểu đường cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể.

5. Nhiễm trùng

Các vết loét của bệnh nhân tiểu đường cũng lâu lành hơn, hoặc thường xuyên bị nhiễm trùng. Môi trường đường huyết cao rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm chậm hệ thống miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường thường lưu thông máu kém, khiến máu khó đi đến các vùng cơ thể bị ảnh hưởng bởi vết thương.

"Vết thương chưa lành có nguy cơ nhiễm nấm và vi khuẩn cao hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ phải cắt cụt chi tăng lên", bác sĩ Seow nói.

'Thủ phạm' thật sự gây ra căn bệnh triệu người Việt mắc

Trao đối với Infonet,  PGS Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, cho biết tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.

Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

PGS Bình cho rằng, nguyên nhân của tiểu đường không phải là ăn nhiều cơm. Các nguyên nhân như gen, tuổi tác thì khó thay đổi. Hiện nay tỷ lệ người già, nhiều người đi khám bệnh và phương tiện chẩn đoán tiểu đường nhiều nên việc xét nghiệm ra tiểu đường nhiều hơn.

Ngoài ra, cuộc sống hiện nay đang thay đổi nhiều dẫn tới gia tăng bệnh tiểu đường và bệnh trẻ hóa.

Không phải cơm trắng, đây mới là 'thủ phạm' gây ra căn bệnh tiểu đường mà hàng triệu người Việt đang mắc - 2
Các quan điểm ăn nhiều cơm trắng gây đái tháo đường nên mọi người không ăn tinh bột là sai lầm. Ảnh minh họa: Internet

Thứ nhất, lối sống thay đổi quá nhiều, ăn nhiều chất tinh chế, không ăn chất thô. Trước đây, người dân chủ yếu ăn tinh bột như ngô, khoai, sắn. Còn hiện nay đều là thức ăn tinh chế nhiều fastfood, ăn uống thay đổi về chất lượng. Người ta đã không còn thích ăn thô, mà họ ăn nhanh nhất để làm việc.

Thứ hai, stress là nguyên nhân thúc đẩy tiểu đường type 2. Stress liên tục xảy ra cả khi đi ngủ thì nó đã vô tình gây ra bệnh tật. Stress không chỉ với người trưởng thành mà ngay cả trẻ nhỏ cũng đang phải đối diện với stress.

Thứ 3, hoạt động thể lực ngày càng giảm, lối sống một bước lên xe thì năng lượng không được tiêu thụ dẫn tới béo phì, rối loạn chuyển hoá và tiểu đường.

Vì vậy, các quan niệm cho rằng ăn cơm gạo (ăn nhiều cơm trắng) gây tiểu đường là không đúng. Trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta lượng gluxit đảm bảo năng lượng cho cuộc sống là vừa phải nhưng tỷ lệ tiểu đường vẫn tăng nên không thể giải thích là do ăn nhiều cơm trắng.

Đồng quan điểm, TS.BS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cũng cho biết tiểu đường là bệnh chuyển hoá. Theo điều trị bệnh tiểu đường thì bệnh nhân phải thay đổi lối sống là dinh dưỡng và tập luyện. Đây là nền tảng của quá trình điều trị xuyên suốt cuộc đời của người bệnh. Còn dự phòng tiểu đường thì dinh dưỡng vô cùng quan trọng.

Các quan điểm ăn nhiều cơm trắng gây tiểu đường nên mọi người không ăn tinh bột là sai lầm. Một ngày 1 người tối thiểu phải ăn 130 gram tinh bột vì đường ăn vào để não sử dụng. Não chỉ sử dụng đường chứ không sử dụng đạm hay chất béo.

Nếu bạn sợ tiểu đường mà bỏ cơm thì cơ thể chuyển hoá sinh ra bột đường từ chất béo và đạm, đây là quá trình chuyển hoá sinh ra nhiều chất cho cơ thể nên bạn vẫn cần ăn cơm 130 gram gluxit. Về tinh bột bạn có thể ăn cơm, xôi, bún, miến, phở... tuyệt đối không được bỏ - BS Dương khuyến cáo.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/khong-phai-com-trang-ay-moi-la-thu-pham-gay-ra-can-benh-tieu-uong-ma-hang-trieu-nguoi-viet-ang-mac-a363412.html